Ngày 14/12/2022 09:47

Thành phố Yên Bái phát triển các sản phẩm OCOP gắn với nâng cao giá trị sản phẩm

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thành phố Yên Bái đã chú trọng phát triển các vùng sản xuất gắn với các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển, đánh giá sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao năng lực về sản xuất, gia tăng giá trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với nhu cầu của thị trường.

 Thành viên HTX sản xuất và kinh doanh miến đao Giới Phiên đóng gói sản phẩm.

HTX sản xuất kinh doanh miến đao Giới Phiên hiện có 12 thành viên trực tiếp tham gia sản xuất. Sản phẩm miến của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao từ năm 2021. Nghề sản xuất miến đao đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm miến đao của HXT đã mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua 10 nhà phân phối, 03 hệ thống siêu thị rộng khắp các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang Cùng với đó, chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc, HTX Sản xuất kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết: Năm 2022, HTX tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua hội chợ, xúc tiến thương mạitrên sàn thương mại điện tử. Dự kiến trong năm nay, HTX đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 100 tấn sản phẩm đem lại nguồn lợi nhuận ổn định và thu nhập cho các thành viên.

Các thành viên của Tổ hợp tác nghiền và sơ chế nghệ tươi.

Ông Ngô Văn Tình, trưởng  thôn Trấn Ninh là một trong những người trồng nghệ đầu tiên ở xã Tân Thịnh. Từ bán củ nghệ tươi đến nay ông Tình cùng với các hộ trong tổ hợp tác đã sản xuất, chế biến tinh bột nghệ. Năm 2022, gia đình ông Tình có 0,5 ha diện tích nghệ, dự kiến cho sản lượng khoảng 7 tấn nghệ tươi tương đương với trên 4 tạ tinh bột, đem lại cho gia đình khoản thu nhập đáng kể.  Đến nay sản phẩm tinh bột nghệ của Tân Thịnh đã được nhiều người biết đến, khẳng định việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ đã nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Ngô Văn Tình, Trưởng thôn Trấn Ninh, xã Tân Thịnh cho hay: Năm 2022, được xã quan tâm đến phát triển sản phẩm nghệ là sản phẩm OCOP, các thành viên trong tổ hợp tác đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia trồng và sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ. Đến nay sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm được đưa vào một số siêu thị và được thị trường tin dùng. Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cho sản phẩm tinh bột nghệ phát triển và mở rộng diện tích trồng nghệ cũng như thị trường tiêu thụ hơn nữa.

Năm 2022, sản phẩm tinh bột nghệ được xã Tân Thịnh đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Để đạt được mục tiêu này, xã Tân Thịnh đã giao cho  HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tân Thịnh đứng ra chủ trì thực hiện các giải pháp triển khai. Các thành viên của tổ hợp tác sản xuất chế biến tinh bột nghệ cũng đã đầu tư mua máy nghiền, sơ chế nghệ tươi, lò sấy sản phẩm để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Đến tháng 11/2022, sản phẩm tinh bột nghệ Tân Thịnh đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOO hạng 3 sao. Bà Bùi Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thịnh cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện sản phẩm OCOP, Hội Nông dân, HTX thường xuyên, đôn đốc, theo dõi, nắm bắt tình hình của các thành viên trong quá trình trình trồng, chăm sóc, chế biến tinh bột nghệ đảm bảo an toàn thực phẩm đúng tiêu chuẩn quy định của sản phẩm OCOP.

Sản phẩm được  sấy bằng máy nhằm đảm bảo chất lượng.

Đến nay, HTX có 14 thành viên với diện tích nghệ 10ha, năm 2022, sản lượng tinh bột nghệ đạt khoảng 08 tấn, với giá bán 500 nghìn đồng/1 kg đem về số doanh thu 400 triệu đồng, cho lợi nhuận 300 triệu đồng. Khi sản phẩm tinh bột nghệ trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đã góp phần để xã Tân Thịnh phát triển sản phẩm chủ lực, nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Trung Hải Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh khẳng định: Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong 2 năm vừa qua, xã Tân Thịnh tập trung xây dựng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm từ cây nghệ. Cây nghệ không đòi hỏi các yêu cầu khắt khe mà có giá trị cao. Đến thời điểm hiện nay sản phẩm tinh bột nghệ được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trong năm 2023, xã Tân Thịnh tiếp tục nâng cao sản phẩm nghệ, đồng thời tuyên truyền cho các thành viên tổ hợp tác tiếp tục mở rộng diện tích trồng nghệ. Cùng với đó là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Từ đó nâng cao giá trị của cây nghệ và thu nhập cho người nông dân.

Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thành phố Yên Bái đã tích cực phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan và UBND các xã, phường triển khai hỗ trợ cho các đơn vị chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Năm 2022, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển thêm 06 sản phẩm OCOP, đến nay đã có 04/06 sản phẩm gồm: Cao xương ngựa bạch - Bạch Vương Vũ, Cao dê Kiểu Oanh, Tinh bột nghệ Tân Thịnh, Cà chua an toàn Tuy Lộc đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 03 sao. Hai sản phẩm còn lại là: Măng trúc tươi Yên Bái và Nấm linh chi Minh Bảo đã tổ chức, đánh giá phân hạng cấp huyện và dự kiến được UBND tỉnh tổ chức đánh giá, công nhận trong tháng 12/2022. Như vậy, tính đến hết tháng 11/2022, thành phố có 14 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm OCOP đạt hạng 04 sao, 13 sản phẩm OCOP đạt hạng 03 sao.

Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm là động lực mới trong phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn. Mở ra cơ hội cho các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Thông qua việc tham gia vào chương trình OCOP, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đã có bước tiến về chất lượng, đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo các điều kiện theo quy định. Chương trình bước đầu cũng khuyến khích được các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đầu tư vào nông nghiệp, trong đó, HTX tham gia chiếm 87,8%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn.

Việt Hà - Đức Minh (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác