Ngày 18/10/2022 09:08

Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người dân về chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và là một trong những khâu đột phát để thúc đẩy thành phố Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23 của Tỉnh ủy. Bám sát Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy, thời gian qua thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và tư duy của người dân về chuyển đổi số. Từ đó sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm và thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số đem lại, trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở địa phương.

Để nâng cao hiểu biết của người dân trên địa bàn phường về lợi ích của chuyển đổi số, phường Nguyễn Phúc đã phát huy tốt vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân về những hiệu quả của chuyển đổi số mang lại trong cuộc sống. Đặc biệt hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia và tháng cao điểm về chuyển đổi số, Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phường Nguyễn Phúc đã tổ chức Hội thi chuyển đổi số. Hội thi góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa trong thực hiện chuyển đổi số nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà Lê Thị Thơm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nguyễn Phúc cho biết: Qua Hội thi chuyển tải những thông tin, lợi ích của chuyển đổi số đến các đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Song song với đó, chúng tôi tổ chức 7 hội nghị dưới tổ dân phố để tuyên truyền về chuyển đổi số, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán tiền điện, tiền nước, phí vệ sinh; vận động Nhân dân tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của địa phương.

Một phần thi trong Hội thi chuyển đổi số do Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị phường Nguyễn Phúc tổ chức.

Hội thi đã thu hút sự tham gia của 100% tổ dân phố trên địa bàn, với chủ đề tuyên truyền đa dạng về tiện ích của chuyển đổi số như thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tìm hiểu về Chính phủ số, kinh tế số, công dân số và những tiện ích đem lại cho người dân. Đây là một hình thức tuyên truyền hiệu quả, từ đó phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo về chuyển đổi số tại cơ sở. Bà Ngô Thị Toàn, tổ dân phố Phúc Yên, phường Nguyễn Phúc cho rằng: Tôi thấy rằng việc chuyển đổi số nếu mỗi người dân quyết tâm học tập, nghiên cứu thì dần dần sẽ thay đổi cách sống của chúng ta. Chuyển đổi số giúp người dân có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận mọi dịch vụ trong xã hội, nó thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giúp mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi số giúp thay đổi cuộc sống của người dân theo hướng tích cực.

Người dân được tạo tài khoản, hướng dẫn thanh toán tiền điện, nước không dùng tiền mặt.

Phường Nguyễn Thái Học là một trong những phường tiên phong của thành phố trong thực hiện chuyển đổi số. Phường đã thành lập BCĐ chuyển đổi số cấp phường với 21 thành viên; 15 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 150 thành viên. Các thành viên của tổ chuyển đổi số cộng đồng đã giúp người dân cài đặt đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo tài khoản ngân hàng, thanh toán tiền điện, nước, tạo mã QR cho các hộ kinh doanh…Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số nhất là việc thanh toán không dùng tiền mặt. Thường xuyên sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt bà Trần Thị Thơi, tổ dân phố số 2, phường Nguyễn Thái Học cho biết: Chuyển đổi số có nhiều lợi ích thiết thực trong cuộc sống, trong đó phải kể đến trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Trước đây khi nộp tiền điện, tiền nước, tôi phải mất thời gian chờ đợi rất lâu, có khi quên lại phải mất tiền đóng, cắt. Hiện nay thì ngồi ở nhà cũng có thể thanh toán một cách nhanh gọn, tiện lợi. Tôi thấy xu thế này rất phù hợp trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được phát triển rộng rãi.

Người dân phường Nguyễn Thái Học được trải nghiệm hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia và tháng tiêu dùng số, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số chuyển từ nhận thức sang ứng dụng vào đời sống Nhân dân, ngay trong đầu tháng 10 vừa qua, phường Nguyễn Thái Học đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm số như quảng bá sản phẩm trên môi trường số, thanh toán số, nộp dịch vụ mạng Internet, thực hiện dịch vụ công. Đến nay, 100% hộ kinh doanh trên địa bàn đã sử dụng hóa đơn điện tử, tỷ lệ hộ kinh doanh bán lẻ có thiết bị thanh toán đạt 51,88%. Tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 71,4%. Bà Tạ Ngọc Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Học cho biết: Thời gian tới, phường Nguyễn Thái Học tiếp tục tuyên truyền đến người dân về lợi ích của chuyển đổi số đem lại trong cuộc sống, từ đó chính người dân sẽ là nhân tố tích cực tham gia thực hiện. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ phát động đợt cao điểm để giúp cho người dân, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình khó khăn về đi lại, khó khăn về cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng. Chúng tôi phối hợp với đơn vị viễn thông có sự hỗ trợ tích cực, phấn đấu 100% người dân trên địa bàn đều là công dân số.

Người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng ngày.

Bám sát Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy, thời gian qua, thành phố Yên Bái đã có nhiều giải pháp quan trọng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát huy vai trò của tổ chuyển đổi số cộng động với trên 1.000 thành viên nhằm tuyên truyền đến người dân về lợi ích của chuyển đổi số. Tổ chức các ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp để triển khai các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, sổ tay đảng viên điện tử, VNEID, trao mã QRcode cho các hộ kinh doanh, phát động đợt cao điểm chuyển đổi số, triển khai thí điểm mô hình công dân số trên địa bàn. Tổ chức thành công Hội thi “Truyền thông nâng cao nhận thức về ngày chuyển đổi số quốc gia” …Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số và trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động như: Giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các ứng dụng phòng chống dịch bệnh Covid -19, sử dụng thẻ BHYT điện tử…Đến nay tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 56,09%. Tỷ lệ doanh nghiệp có thiết bị thanh toán điện tử đạt 87,5%; tỷ lệ hộ kinh doanh bán lẻ có thiết bị thanh toán điện tử đạt 51,16%, 100% trường mầm non, tiểu học, THCS công lập; 100% bệnh viên thu hộ tiền viện phí, học phí bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện thành phố Yên Bái đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo xây dựng xã hội số, phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 23 của Tỉnh ủy.

Việt Hà - Đức Minh (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác