Ngày 06/01/2022 09:07

Công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở thành phố Yên Bái

Đảng bộ thành phố Yên Bái luôn xác định công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi công tác này không chỉ nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, mà qua công tác tổng kết thực tiến vai trò của lịch sử còn nêu bật những thành tựu và cả những tồn tại, hạn chế từ đó rút ra bài học, kinh nghiệm, những vấn đề lý luận, thực tiễn; đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ trong thời kỳ mới.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo cuốn sách lịch sử Đảng bộ thành phố Yên Bái.

Chính vì vậy, ngay khi Chỉ thị 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông tri 24-TT/TU, ngày 14/4/2003 của Tỉnh ủy Yên Bái về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam”, Đảng bộ thành phố đã ban hành Kế hoạch số 42-KH/TU ngày 12/6/2003 và Hướng dẫn số 09-HD/TG, ngày 05/11/2006 của Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, kỷ yếu của các đơn vị, đồng thời tiến hành biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Yên Bái 1945 - 2002”, xuất bản tháng 11/2003;100% các xã, phường trực thuộc đã biên soạn xuất bản lịch sử Đảng bộ, một số đơn vị đã tiến hành viết lịch sử tryền thống, kỷ yếu. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Yên Bái 1945 - 2002”, ngay sau khi được phát hành, cuốn sách đã được đông đảo các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thành phố, những người đã sống, lao động, chiến đấuvà cống hiến cho thành phố đón nhận một cách trân trọng và phấn khởi.

Di tích Cổng Đục - Đồn Cao, phường Nguyễn Phúc.

Ngày 18/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 20 và Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 20/6/2018.Thành ủy Yên Bái chỉ đạo và ban hành Hướng dẫn số 37-HD/TU, ngày 20/9/2018 “về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” trong toàn Đảng bộ. Đồng thời Đảng bộ cho tiến hành biên soạn, tái bản, bổ sung cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố Yên Bái, Tập I (1945 - 2020) nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ hơn sự quan tâm đặc biệt của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với thế hệ trẻ. Cũng thời gian này, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái cũng ban hành Hướng dẫn số 01/HD-SGDĐT, ngày 13/01/2020 về “thực hiện tuyên truyền, giáo dục, giảng dạy về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, truyền thống cách mạng, bản sắc văn  hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và dạy nghề” trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Qua thời gian triển khai, đến nay Đảng bộ thành phố đã biên soạn tái bản, bổ sung cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Yên Bái, Tập I (1945 – 2020), xuất bản tháng 12 năm 2020; 15/15 xã, phường đã xuất bản và tái bản lịch sử Đảng bộ; 10 chi, đảng bộ đã xuất bản lịch sử truyền thống, kỷ yếu như: Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trung tân Chính trị thành phố, Ban Quản lý Chợ thành phố Yên Bái, Liên đoàn Lao động thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Công ty Vận tải Thủy bộ Yên Bái, Công ty Xây dựng số 1, Trường THPT Nguyễn Huệ…

Cô và trò Trường mầm non Hoa Lan thành phố Yên Bái thăm Khu di tích lịch sử Sân vận động.

Công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được Đảng bộ tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức như: Tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm Bác Hồ - Lễ đài Sân vận động thành phố, Khu li tích lịch sử Quốc gia Nguyễn Thái Học, Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh ... nhân các ngày lễ, kỷ niệm, kể chuyện truyền thống ở các trường học, cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử, bảo tàng...

Di tích Lịch sử Quốc gia - Bến phà Âu Lâu.

Trung tâm Chính trị thành phố và các trường học trên địa bàn đã tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương vào giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên. Các trường học trên địa bàn đã thực hiện tốt Hướng dẫn số 37 của Thành ủy và Hướng dẫn số 01 của Sở Giáo dục và Đào tạo việc lồng ghép nội dung thích hợp về giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng địa phương vào môn lịch sử và các môn xã hội khác (ngữ văn, giáo dục công dân ...). Nhiều trường học mời cựu chiến binh đến nói chuyện thời sự cho học sinh, như trường tiểu học Nguyễn Trãi, tiểu học Nguyễn Thái Học...; hầu hết các trường trực tiếp cho học sinh đến dâng hương, dâng hoa, giới thiệu trực tiếp tại các khu di tích trên địa bàn thành phố, Bảo tàng tỉnh, nhất là các di tích Quốc gia, di tích lịch sử như: THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Huệ, THPT Lý Thường Kiệt, tiểu học Hồng Thái, THCS Lê Hồng Phong, mầm non Hoa Lan...

Cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thăm quan Khu di tích Lịch sử Quốc gia mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái.

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, việc chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác các thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử được Đảng bộ thành phố chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trực thuộc thực hiện thường xuyên, liên tục.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác biên lịch sử Đảng trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về sự cần thiết của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử các phòng, ban, đoàn thể, đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố, đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm rõ và sâu sắc hơn về lịch sử Đảng bộ thành phố nói chung, các phòng, ban, đoàn thể, đơn vị mình, qua đó khơi dậy lòng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đặc biệt đối với thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông, cùng chung tay xây dựng thành phố Yên Bái ngày càng phát triển, sớm đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II theo hướng “xanh, bản sắc và hạnh phúc”./.

Đào Hạnh (Ban Tuyên giáo Thành ủy)

Các tin khác