Thành phố Yên Bái thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3
Hậu quả của đợt mưa dông kéo dài, trận lũ lịch sử do hoàn lưu cơn bão số 3 trên địa thành phố Yên Bái là hết sức nặng nề. Mặc dù đến thời điểm ngày 11/9, nước bắt đầu xuống chậm, nhưng trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khu vực đang trong tình trạng ngập úng, nhiều vùng vẫn đang bị chia cắt.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình trạng sạt lở đất tại Km 2 tuyến đường Điện Biên, thuộc tổ dân phố 2, phường Yên Ninh (Ảnh: Báo Yên Bái)
Theo báo cáo tính đến ngày 11/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn thành phố đã có mưa rất to, mực nước sông Hồng qua Yên Bái dâng cao, đạt đỉnh ở mức 35,73m (vượt báo động 3 là 3,73m, vượt mực nước lũ lịch sử năm 2008 là 1,47m, hiện đang xuống nhanh), gây sạt lở nhiều điểm, ngập úng diện rộng chiếm 50% diện tích toàn thành phố, chia cắt nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Mưa lớn kết hợp với nước lũ sông Hồng dâng cao đã gây chia cắt, ngập úng, sạt lở hầu hết các tuyến đường chính trên địa bàn. 50% diện tích toàn thành phố bị ngập úng, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình. Khoảng trên 12.000 hộ bị ảnh hưởng phải di dời tạm thời đến các vị trí an toàn. Trọng điểm là các xã, phường Âu Lâu, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Phú, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Minh Tân, Tuy Lộc, Nam Cường, Nguyễn Phúc, Đồng Tâm. Nơi ngập sâu nhất trên 8m. Trên 1.000 điểm bị sạt lở, hiện có trên 1.000 điểm có nguy cơ sạt lở. Có trên 40 trường học, công sở bị ngập úng.Toàn bộ 3 hệ thống đê: Giới Phiên, Tuy Lộc, Cống Đá xã Âu Lâu; 11 trạm bơm và hệ thống kênh mương bị chìm ngập trong nước lũ.
Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra khu vực sạt lở tại Km2, đường Điện Biên, thành phố Yên Bái (Ảnh: Báo Yên Bái)
Gần 400 nhà ở bị thiệt hại, sập, hư hỏng, tốc mái. Trọng điểm tại các xã, phường: Yên Ninh, Minh Tân, Minh Bảo, Văn Phú, Âu Lâu, Đồng Tâm, Hồng Hà, Tuy Lộc, Tân Thịnh...Trong các địa bàn bị sạt lở đất thì phường Yên Ninh có nhiều điểm sạt lở. Chị Hảo tỏ dân phố số 7 phường Yên Ninh nhà ở sát tả luy cao. Gần khu vực bị sạt lở tuyến đường Yên Ninh, sau khi được tuyên truyền, gia đình chị Hảo cùng các hộ dân ở khu vực đã di dời đến khu vực an toàn, Chị Hảo cho biết: Nhà tôi tường đã bị nứt, đêm10/9, mọi người đã di chuyển đến nơi an toàn, đến 10 h tối thì nhà ba tầng bên cạnh bị sạt lở.
Lực lượng cứu hộ đang thực hiện nhiệm vụ
Những ngày này, nhà văn hóa tổ dân phố số 7, phường Yên Ninh tiếp nhận, giúp đỡ các gia đình nằm trong diện di dời bị ảnh hưởng bởi sạt lở ta luy đến tránh trú. Bà Tô Thị Oanh tổ dân phố 7, phường Yên Ninh cho biết: Những hộ gia đình bị sạt lở đến đây đều được tổ dân phố dang tay đón tiếp. Để mọi người được ổn định chỗ ăn, ở, các nhà hảo tâm cũng chuẩn bị đồ ăn cho mọi người. Các đồng chí bí thư, tổ trưởng tổ dân phố đều trực đảm bảo 24/24h, để tiếp nhận hỗ trợ của các nhà hảo tâm cũng như động viên các hộ gia đình trong lúc hoạn nạn.
Khu vực sạt lở đất thuộc khu vực đường Yên Ninh
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng tổ dân phố số 7 phường Yên Ninh thì trên địa bàn tổ dân phố số 7 phường Yên Ninh có 40 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng, 100 hộ bị ảnh hưởng nhẹ. Trước tình hình đó, phường Yên Ninh và tổ dân phố tuyên truyền, vận động các hộ dân dh dời ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. Riêng tại nhà văn hóa tổ 7, tiếp nhận 60 hộ dân của tổ 8, tổ 3, tổ dân phố số 2 bị sạt lở đất về tránh trú. Chi bộ tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận tổ dân phố, UBND phường chăm lo đời sống sinh hoạt hàng ngày. Hiện tại chi bộ, Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố cùng với UBND phường lo chỗ ở, đời sống sinh hoạt hàng ngày cho những hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng.
Nhà văn hóa tổ dân phố số 7 phường Yên Ninh tiếp nhận 60 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đất tránh trú
Đối với địa bàn phường Nguyễn Thái Học cũng là một trong các địa phương nằm trong vùng bị thiệt hại. Theo ông Bùi Ngọc Giang, Chủ tịch UBND pường Nguyễn Thái Học thì phường có trên 1.500 hộ bị ngập lụt, trên 100 hộ bị sạt lở đất vào nhà ở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các hộ dân. Trước tình hình thiên tai, mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT –TKCN phường đã tổ chức trực ban 24/24 h. Phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội xuống các tổ dân phố, các ngõ vận chuyển lương thực, thực phẩm đồ thiết yếu cho Nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn một số khu vực chúng tôi không thể tiếp cận được do nước chảy xiết. Nhiều người tham gia cứu nạn bị ảnh hưởng. Hiện nay chúng tôi xác định khi nước rút, thành lập các đoàn xuống vận động các hộ gia đình, hỗ trợ dọn rửa, dọn nhà cửa, đảm bảo vệ sinh môi trường, UBND phường chỉ đạo trạm y tế phường cung cấp thuốc phun tiêu độc khử trùng đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân. Trong thời gian tới, phường sẽ tăng cường công tác phối hợp với đơn vị liên quan, thống kê số lượng thiệt hại đặc biệt là các hộ bị sạt lở đất. Bên cạnh đó chúng tôi phối hợp với các ban ngành liên quan hướng dẫn nhân dân khắc phục sạt lở đất, bằng mọi biện pháp giúp đỡ Nhân dân ổn định cuộc sống.
Một điểm bị ngập tại tuyến đường Lê Hồng Phong vào ngày 10/9
Đối với xã Minh Bảo theo số liệu sơ bộ số có trên 100 hộ bị ảnh hưởng sạt lở đất, 10 hộ bị sập nhà hoàn toàn, 100% diện tích lúa bị mất trắng do đất đá vùi lấp. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Minh Bảo cho biết: Đối với hộ gia đình có nguy cơ sạt lở và sạt lở cao chúng tôi huy động lực lượng yêu cầu 100% các hộ di chuyển đến nơi an toàn như nhà văn hóa, các hộ dân có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các hộ không có nhà ở. Theo dự báo thời gian tới, khả năng mưa trên địa bàn vẫn tiếp tục khả năng sạt lở đất là rất lớn, đối với địa phương chúng tôi đã kêu gọi và có nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho những trường hợp bị ảnh hưởng trên địa bàn trong những ngày tới. Cùng với đó chúng tôi huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với lực lượng của Quân đội hỗ trợ khắc phục với những hộ bị ảnh hưởng cũng như thông đường để đảm bảo các phương tiện vận chuyển như điện lực, viễn thông khắc phục sự cố mất điện trên địa bàn.
Để khắc phục thiệt hại do thiên tai, thành phố đã tăng cường huy động cả hệ thống chính trị, tập trung tối đa nhân lực, vật lực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Đã chỉ đạo tổ chức di dời, sơ tán trên 4.000 hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở đất, ngập úng đến nơi an toàn.Đã chỉ đạo ban hành kế hoạch, thành lập 09 đoàn công tác của thành phố tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình thiệt hại về người, người bị thương do thiên tai gây ra. Kịp thời hỗ trợ các gia đình có người bị chết 25 triệu đồng đồng/nạn nhân; mỗi người bị thương 5 triệu đồng từ nguồn chính sách thiên tai, bão lũ; bên cạnh đó, thành phố trích quỹ hỗ trợ thăm hỏi 5 triệu đồng đồng/nạn nhân. Đồng thời chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức lực lượng khắc phục hậu quả ngập úng, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau khi nước rút. Chỉ đạo MTTQ thành phố ra lời kêu gọi ủng hộ, cứu trợ nhân dân trên địa bàn thành phố khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3. Đến nay, đã tiếp nhận ủng hộ của các nhà hảo tâm được 310 triệu đồng.
Lãnh đạo thành phố và xã Minh Bảo kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất
Chỉ đạo huy động toàn bộ hệ thống chính trị và tất cả các lực lượng, phương tiện cùng lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh để giúp đỡ nhân dân khắc phục lũ lụt và di dời đến nơi an toàn; huy động 2.315 người, gồm lực lượng công an, quân sự, dân quân, lực lượng xung kích, an ninh cơ sở, đoàn thành niên, cán bộ, công chức các xã, phường, thôn, tổ dân phố...huy động 16 xe khách 29 chỗ; 62 xe tải các loại; 04 xe cứu thương; 14 máy xúc; 14 máy ủi; 85 xuồng, thuyền, bè mảng; 2.000 áo phao và 420 phao cứu sinh; 300 đèn pin…
Lực lượng cứu hộ nhận đồ cứu trợ cho người dân vùng lũ
Thành phố đã triển khai mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời tiếp nhận nhu yếu phẩm từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân MTTQ, Hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, hội Phụ nữ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh…để cấp phát, hỗ trợ cho các xã, phường cứu trợ cho các hộ dân trong vùng ngập lụt. Số lượng đã cứu trợ 2 tấn gạo, 15.000 cái bánh mỳ, bánh ngọt; 500 kg giò, xúc xích…; 20.000 suất cơm, xôi, bánh; 10.000 thùng mỳ tôm; 15.000 thùng nướ uống; 5.000 hộp lương khô; 1.500 thùng sữa….
Người dân dọn rửa nhà cửa khi nước rút
Hiện thành phố đang tiếp tục tổ chức trực ban đầy đủ, nghiêm túc 24/24h, chủ động nắm bắt tình hình, thống kê kịp thời các thiệt hại. Đối vớiỦy ban nhân dân các xã, phường tăng cường cảnh báo, nhắc nhở người dân di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện bao gồm: lực lượng Dân quân tự vệ, bảo vệ an ninh trật tự cơ sở trực 24/24h, tiếp tục hỗ trợ các xã, phường trong việc di chuyển người và tài sản của người dân, chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống đến các gia đình ở vùng bị cô lập. Trung tâm y tế thành phố đã tổ chức lực lượng thường trực tại khu vực ngập úng, sạt lở đất để kịp thời xử lý đưa nạn nhân đi cấp cứu; chỉ đạo Trạm y tế xã, phường trực sơ cấp cứu nạn nhận khi gặp nạn.Chỉ đạo phân công lực lượng cảnh giới tại các khu vực ngập úng, sạt lở… Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phân luồng giao thông tại các khu vực ngập úng, sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt.Chỉ đạo chuẩn bị nhân lực, phương tiện để tổ chức khắc phục hậu quả sau khi nước rút.
Tiến Bình - Việt Hà - Đức Minh (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)