Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi tôm càng xanh ở Minh Bảo
Những năm qua, xã Minh Bảo là một trong những địa phương của thành phố Yên Bái xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả. Một trong số đó phải kể đến mô hình nuôi tôm càng xanh của bà Lương Thị Chi ở thôn Bảo Yên.
Bà Lương Thị Chi đang thu hoạch tôm
Đến Minh Bảo, mọi người không chỉ biết đến bà Lương Thị Chi ở thôn Bảo Yên là một người nhiệt tình trong công tác xã hội, mà bà Chi còn là tấm gương dám nghĩ dám làm trong phát triển kinh tế gia đình. Không chọn hướng đi quen thuộc như trồng lúa hay nuôi cá truyền thống, năm 2023, gia đình bà Chi học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Nhận thấy đồng đất, môi trường, khí hậu ở Minh Bảo khá phù hợp với nuôi tôm càng xanh, gia đình bà Chi đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh trên diện tích ao sẵn có của gia đình. Khi bắt đầu, bà Chi cũng rất lo lắng. Tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới tại địa phương, chưa ai làm trước nên mọi thứ đều phải tự mày mò. Việc trước tiên là phải đảm bảo môi trường nuôi tôm, gia đình tiến hành khử vôi, khử muối, tháo nước rửa bùn, rồi mới bắt đầu thả con giống; ao nuôi phải sạch, đảm bảo môi trường sống cho tôm.
Với sự kiên trì và quyết tâm, chỉ sau một vụ, mô hình bước đầu đã cho thấy tiềm năng rõ rệt: tôm phát triển tốt, thích nghi với điều kiện ao hồ tại địa phương, tỷ lệ sống cao và chất lượng thịt được thị trường đánh giá cao. Sau 8 tháng nuôi, trọng lượng tôm thương phẩm đạt từ 16-18 con/kg, trừ các loại chi phí, mỗi tháng bình quân gia đình có khoản thu 6 triệu đồng. Nhận thấy đây là hướng đi mới, hiệu quả phù hợp với sức lao động của gia đình, năm 2024, gia đình bà Chi tiếp tục đầu tư trên 80 triệu đồng để mua con giống, cải tạo ao nuôi tôm. Không chỉ tạo thu nhập ổn định, mô hình của bà Chi còn mở ra hướng phát triển kinh tế nông hộ bền vững, thân thiện với môi trường. Bà Chi đứng ra thành lập tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh tại thôn Bảo Yên với 5 thành viên, tổ hợp tác cũng nhận được nguồn vốn ban đầu từ Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố với số tiền 20 triệu đồng. Theo bà Chi đây là một hướng đi mới, nên người nông dân chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là tổ chức Hội nông dân hỗ trợ về kỹ thuật, con giống để bà con phát triển kinh tế.
Mô hình nuôi tôm càng xanh mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ ở Minh Bảo
Mô hình nuôi tôm càng xanh tại thôn Bảo Yên không chỉ cho thấy sự linh hoạt, năng động của người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường. Điều đó cho thấy sự đổi mới trong tư duy của người nông dân sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Theo ông Bùi Việt Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Bảo thì mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình bà Chi mặc dù là mô hình mới của địa phương song đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhiều khách đến tận nơi để đặt hàng. Giá cả phù hợp, chất lượng sản phẩm thơm ngon. Hội Nông dân xã đánh giá rất cao mô hình này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, giống nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Từ mô hình nuôi tôm càng xanh tại thôn Bảo Yên, có thể thấy sự chủ động, năng động và sáng tạo của người nông dân sẽ là chìa khóa mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Và khi có sự chung tay từ chính quyền, người dân thì kinh tế nông nghiệp hoàn toàn có thể bứt phá, tạo nên những mô hình hiệu quả và bền vững.
Việt Hà - Đức Minh (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)