Bà con nông dân tập trung phòng trừ sâu, bệnh hại lúa Đông Xuân
Điều kiện thời tiết hiện nay đang diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao là điều kiện rất thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, đặc biệt là đối với cây lúa vụ Đông Xuân. Để bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông Xuân từ nay đến cuối vụ, bà con nông dân thành phố đang tích cực chủ động phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn để đảm bảo năng suất, sản lượng lúa theo kế hoạch.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố hướng dẫn người dân phát hiện sâu bệnh hại lúa Đông Xuân
Hàng ngày, cứ vào sáng sớm hoặc chiều tối, chị Lại Thị Kiều Loan, thôn Cống Đá, xã Âu Lâu lại ra đồng ruộng kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa. Chị Loan cho hay: vụ Đông Xuân năm nay, gia đình chị gieo cấy 1 mẫu lúa, chủ yếu là giống lúa Thái Bình. Hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn trỗ bông, một số chân ruộng xuất hiện rầy và cần phải phun thuốc kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.
Năm nay, gia đình chị Bùi Thị Hải Lý ở tổ 1 phường Hợp Minh gieo cấy 8 sào lúa. Trong đó chủ yếu là giống HT1 vì đây là giống lúa cho chất lượng gạo ngon, dẻo. Theo chị Lý để đem lại hiệu quả cao trong chăm sóc cây lúa thì việc đầu tiên là phải thường xuyên thăm đồng, bởi thời tiết mỗi năm diễn biến khác nhau. Đồng thời phải biết kết hợp các loại thuốc kết hợp phun thì sẽ giảm bớt công lao động, thời điểm phun phòng phải vào buổi sáng sớm và chiều tối thì hiệu quả cao hơn.
Vụ Đông Xuân này, gia đình ông Nguyễn Văn Khanh cũng ở tổ dân phố số 1, phường Hợp Minh gieo cấy 1 mẫu lúa, chủ yếu là HT1, Hương Thơm số 1. Thời điểm này cây lúa của gia đình phát triển tốt. Gia đình đang phun thuốc phòng trừ rầy nâu. Theo ông Khanh cây lúa năm nay phát triển tốt, theo dự kiến năng suất lúa có thể đạt 2 tạ/sào.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố trực tiếp nắm bắt tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa
Diện tích gieo cấy cây lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên địa bàn thành phố đạt trên 259 ha, vượt trên 19 ha so với kế hoạch, trong đó, diện tích lúa lai 137,27 ha, lúa thuần 121,98 ha. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thành phố đã chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật; ra thông báo, dự báo trong tháng và cả vụ về công tác bảo vệ thực vật. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố đã ban hành 06 Hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc và phòng dịch hại chủ yếu trên một số cây trồng chính và những giải pháp bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thường xuyên kiểm tra thăm đồng phát hiện các đối tượng sâu bệnh hại trên cây lúa để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Thực hiện điều tra phát hiện sâu, bệnh hại trên cây trồng hàng tuần trên hệ điều hành phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật. Qua điều tra thực tế, đến nay có một số diện tích lúa bị nhiễm các đối tượng dịch hại như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, chuột... phát sinh gây hại trên diện rộng. Trong đó, diện tích lúa bị khô vằn 15ha, mật độ cao là 45%, rầy nâu, rầy lưng trắng 6 ha, với mật độ phổ biến 150 con/m2, cao 3.500 con/m2, bệnh đốm sọc vi khuẩn 5 ha, mật độ phổ biến 5%, cao là 32%; chuột hại 12 ha tỷ lệ ở mức phổ biến là 3%, mức độ cao là 25%.
Nông dân thành phố phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại đảm bảo nguyên tắc 4 đúng
Trước thực tế trên, Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố đã chỉ đạo cán bộ phụ trách cơ sở thường xuyên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh, hướng dẫn, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nguyễn Anh Quyền – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố cho biết: Từ nay đến cuối vụ chúng tôi đang tập trung chỉ đạo phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính như: đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng. Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dòng thuốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly. Việc trừ rầy nâu giai đoạn cuối vụ thì bà con nông dân cần thực hiện phương châm xanh nhà hơn già đồng, với tỷ lệ chín đạt từ 90 -95% nếu mật độ rầy cao sẽ khuyến cáo người dân thu hoạch sớm để đảm bảo chất lượng gạo và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo dự báo từ nay đến cuối vụ, các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây lúa như: sâu đục thân, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng… sẽ tiếp tục phát sinh gây hại mạnh từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 5. Để bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông Xuân, bà con nông dân cần tích cực, chủ động thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh phù hợp, nhằm đảm bảo vụ lúa vụ Đông Xuân năm nay sẽ đạt năng suất, sản lượng cao.
Việt Hà - Đức Hiệp (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)