Ngày 13/10/2021 14:47

Hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Cùng với quan tâm đổi mới nội dung, hình thức hoạt động xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Những năm qua, Hội nông dân thành phố Yên Bái còn tập trung triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.Qua phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương.

Với mong muốn vươn lên làm giàu ngay tại chính mảnh đất quê hương mình. Anh Nguyễn Thành Luân, hội viên nông dân chi hội thôn Bảo Tân xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KH-KT do các cấp Hội nông dân tổ chức. Đồng thời tự học tập, nghiên cứu qua sách báo và Internet để phát triển mô hình trồng nấm. Năm 2010 anh Luân bắt tay vào trồng nấm mộc nhĩ, ban đầu chỉ để phục vụ người dân xung quanh địa phương. Đến nay, sau hơn 10 năm phát triển, gia đình anh Luân đang duy trì 3 lán trại, trồng trên 4 vạn nấm mộc nhĩ, mỗi năm anh thu nhập 2,5 tấn mộc nhĩ khô, với giá bán bình quân từ 150 nghìn đồng/ kg, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập 375 triệu đồng/ năm. Ngoài trồng nấm mộc nhĩ, anh Luân trồng thêm nấm sò, phát triển trên 2 ha rừng keo. Với kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, anh Luân luôn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều gia đình hội viên nông dân khác trong xã cùng phát triển nghề trồng nấm và phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm qua anh được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Anh Luân chia sẻ: Trồng nấm cho thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa, nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đầu ra cho sản phẩm cũng khá thuận lợi. Thời gian tới tôi tiếp tục mở rộng diện tích lán trại từ 500m2 đến 1 nghìn m2. Tôi tiếp tục cùng với các thành viên trong hợp tác xã Nông nghiệp Minh Bảo phát triển các sản phẩm để quảng bá, nâng tầm giá trị nông sản tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập ngày một bền vững hơn.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của xã Minh Bảo.

 Cũng nhận thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển vườn ươm cây giống và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh Mai Văn Sỹ, thôn Minh Long xã Tuy Lộc quyết định từ bỏ nghề đầu bếp để tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu phát triển kinh tế tại chính quê hương mình. Trải qua khó khăn vì thiếu nguồn vốn đầu tư, ảnh hưởng của dịch bệnh, không ít lần anh thất bại trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng với ý chí, nghị lực và sự cần cù sáng tạo, sự hỗ trợ kịp thời từ tổ chức Hội nông dân xã. Đến nay, gia đình anh Sỹ đã phát triển được vườn ươm cây quế diện tích trên 2 ha, với trên 100 vạn bầu quế giống và trên 1 nghìn con gà thương phẩm, ao nuôi cá. Trừ chi phí, cũng cho gia đình anh thu nhập trên 200 trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Sỹ cho biết: Được Hội nông dân xã hướng dẫn vay 30 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tự có của gia đình, đến nay mô hình kinh tế của tôi phát triển khá ổn định. Tuy nhiên, để phát triển mô hình kinh tế bền vững hơn, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành và Hội nông dân các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ quảng bá tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản. Tổ chức nhiều các lớp tập huấn chuyển giao KH –KT để giúp hội viên nông dân chúng tôi phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Mô hình vườn ươm cây giống của anh Mai Văn Sỹ xã Tuy Lộc.

Bà Hà Thị Tuyến, Chủ tịch Hội nông dân xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái trao đổi: Để thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hàng năm Hội nông dân xã Tuy Lộc đều chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KH- KT vào sản xuất, liên kết, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, nhiều hộ hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập khá, vươn lên làm giàu ngay tại chính mảnh đất quê hương mình. Hằng năm, Hội có 265 hộ hội viên đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay bộ mặt nông thôn của xã đã ngày thay đổi, đời sống, vật chất của Nhân dân, hội viên ngày một nâng cao.

Hội Nông dân thành phố Yên Bái hiện có trên 5.700 hội viên, sinh hoạt tại 15 tổ chức hội cơ sở. Xác định thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, Hội đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền hội viên chuyển hướng sản xuất, chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay các cấp Hội Nông dân thành phố đang quản lý 45 tổ Tiết kiệm và vay vốn với 1274 hộ vay, dư nợ cho vay đạt gần 43 t đồng. Cùng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng, Hội nông dân thành phố đã duy trì hiệu quả nguồn “Quỹ hỗ trợ nông dân” cho 65 hộ hội viên vay với số vốn 1,4 tỷ đồng. Các cấp Hội đã chủ động và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tư vấn chuyển giao KH- KT, cung ứng giống và phân bón trả chậm, giúp hội viên có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Tính từ năm 2020 đến nay, các cấp hội nông dân thành phố đã phối hợp tổ chức gần 40 lớp tập huấn chuyển giao KH-KT cho gần 7.300 lượt người tham gia. Cung ứng 665 tấn phân trị giá 400 triệu đồng và 5,7 tấn giống các loại trị giá gần 42 triệu đồng; 2,5 tấn thuốc BVTV trị giá trên 25 triệu đồng hỗ trợ cho hội viên nông dân, đặc biệt là nông dân có nghèo, nông dân gặp hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Thiêm, Chủ tịch Hội nông dân thành phố Yên Bái khẳng định: Qua phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung như vùng trồng rau an toàn tại 03 xã Văn Phú, Tuy Lộc, Âu Lâu; phát triển vùng trồng Chè Bát Tiên tại xã Minh Bảo, xã Âu Lâu; phát triển nuôi cá nước ngọt tại các xã Văn Phú, Âu Lâu, Nam Cường; phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, vùng chăn gia súc, gia cầm; phát triển làng nghề miến dong tại xã Giới Phiên; nuôi ba ba thương phẩm tại phường Yên Ninh; ốc Nhồi thương phẩm, chanh tứ thời tại xã Văn Phú. Đến nay, Hội nông dân thành phố đã hướng dẫn thành lập được 02 chi hội nghề nghiệp, 30 tổ hội nghề nghiệp; trực tiếp chỉ đạo xây dựng, thành lập mới 146 tổ hợp tác, hướng dẫn và phối hợp thành lập 13 hợp tác xã. Hàng năm đã có 3.800 lượt hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu hộ SXKD giỏi. Qua bình xét đã có 1.850 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp đỡ 38 hộ hội viên nông dân nghèo vượt khó, vươn lên thoát nghèo.

Có thể thấy, nhờ triển khai hiệu quả phong trào, đến nay đời sống, vật chất tinh thần của hội viên nông dân ngày được nâng cao. Từ hiệu quả của phong trào, thời gian tới, Hội nông dân thành phố Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ cơ sở; đẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua mô hình tổ hợp tác, HTX, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tạo ra vùng sản xuất tập trung; đồng thời tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm./.

Lê Hương - Thanh Nghị (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác