Ngày 28/03/2022 10:39

Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đạt giải Tư Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học 2021-2022

Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học 2021-2022 có 71 đơn vị gồm 60 Sở GD-ĐT và 11 Trường THPT trực thuộc Bộ GD-ĐT, thuộc Trường Đại học với 144 dự án, 273 học sinh tham gia. Cuộc thi gồm 22 lĩnh vực: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi Sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học Thực vật, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch.

 Nhóm tác giả Lê Khánh Linh và Lê Phạm Hải Nam cùng cô giáo hướng dẫn Lục Thị Thu Hoài. Ảnh Trung Nghĩa

Cuộc thi được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 27 tháng 3/2022. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cuộc thi năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đã được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn làm địa điểm để các dự án tham gia dự thi. 

Ban tổ chức cuộc thi tại tỉnh Yên Bái chụp ảnh kỉ niệm cùng nhóm tác giả đạt giải Tư. Ảnh Tuấn Thành

Yên Bái có 2 dự án tham gia Cuộc thi, em Lê Khánh Linh (11Văn) và Lê Phạm Hải Nam (12L) học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đã vinh dự đạt giải Tư Cuộc thi với dự án “Thiết bị hỗ trợ vận động và phục hồi chức năng cho người bị liệt chân”. Đây là dự án rất có ý nghĩa, được đánh giá cao và được tuyển chọn từ Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022 của tỉnh Yên Bái. Dự án “Công cụ tra hạt bầu quế” của nhóm học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên) đã đạt giải Triển vọng tại cuộc thi.

Nhóm tác giả Nguyễn Minh Hải và Lê Minh Tâm của trường THPT Lê Quý Đôn đạt giải Triển vọng. Ảnh Trung Nghĩa

Đến với cuộc thi năm nay, các em học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành mang theo những khát vọng nhân văn về một thiết bị có thể hỗ trợ cho những bệnh nhân bị liệt bàn chân. Em Lê Khánh Linh cho biết: “Vào năm 2017 bố em từ một người khỏe mạnh bất ngờ trở thành người bị liệt sau một cơn đột quỵ, em rất thương bố, luôn cùng mẹ chăm sóc bố, nên em thấu hiểu những thiệt thòi mà bệnh nhân liệt phải chịu đựng. Đó chính là động lực thôi thúc em ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi. Các em đã đặt ra mục tiêu thiết kế, chế tạo thiết bị hỗ trợ dạng vòng đeo chân sao cho thật nhỏ gọn, linh hoạt và cơ động, có thể điều khiển thông qua website, để tự động kích xung Faradic nhằm hỗ trợ bệnh nhân vận động và phục hồi chức năng. Đồng thời website cũng giúp lưu trữ, thống kê quá trình phục hồi và kết nối bệnh nhân với bác sĩ. Chúng em đặt tên thiết bị là E-FAS”.

Ban Biên tập

Các tin khác