Đầu tư cho dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững
Xác định đầu tư cho dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững, thời gian qua thành phố Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chỉ số hạnh phúc và tuổi thọ của người dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số các cấp.
Các hoạt động phối hợp truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em luôn được quan tâm thực hiện tốt
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số, Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác dân số, hàng năm, UBND thành phố Yên Bái đã ban hành kế hoạch, đề ra các giải pháp nhằm ổn định quy mô, cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố và Ban DS-KHHGĐ 15 phường, xã đều kiện toàn đảm bảo số lượng và chất lượng nhằm phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động. Trung tâm Y tế thành phố thường xuyên phối hợp với các ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số – KHHGĐ. Chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong việc vận động thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về CSSKSS/KHHGĐ, cung cấp đầy đủ thuốc thiết yếu và triển khai các chương trình Y tế Quốc gia đảm bảo CSSK ban đầu cho bà mẹ, trẻ em.
Ông Nguyễn Trọng Long, Trưởng phòng Dân số Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Trung tâm Y tế thành phố đã tham mưu triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng chủ động, tự nguyện thực hiện chính sách về Dân số- KHHGĐ. Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã tổ chức 09 buổi cung cấp thông tin cho cấp ủy, chính quyền, người có uy tín trong cộng đồng về công tác dân số và phát triển (DS&PT) lồng ghép vào các cuộc họp ở xã, phường. Thực hiện trên 50 tin, bài tuyên truyền trên sóng Đài Phát thanh thành phố và Truyền thanh xã, phường.
Việc phối hơp khám và tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi theo định kỳ được Trung tâm Y tế thành triển khai hiệu quả
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về các văn bản pháp luật về công tác DS&PT thông qua các hội nghị đoàn thể, tổ dân phố, truyền thông lồng ghép 10 buổi với gần 300 lượt người tham dự. Một trong hình thức truyền thông được tăng cường đẩy mạnh trong thời gian qua đó là tăng cường truyền thông trên các trang website của Sở Y tế, Trung tâm Y tế thành phố, trang Thông tin điện tử UBND thành phố. Truyền thông hàng chục tin, bài viết trên nền tảng kỹ thuật số, trên Internet và mạng xã hội. Các nội dung truyền thông, giáo dục tập trung phổ biến kiến thức, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số; mối quan hệ giữa dân số với phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính, nơi tập trung đông dân cư; tăng cường truyền thông trong chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao. Y sỹ Hà Thị Mai Hương, Trạm trưởng trạm y tế xã Tân Thinh cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ cùng với quản lý sức khỏe cộng đồng; trạm y tế xã thường xuyên triển khai việc quản lý sức khỏe hộ gia đình, người cao tuổi, thực hiện cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh, dịch; tiêm chủng; các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và tuyên truyền biện pháp phòng, chống; tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động quần chúng cùng tham gia thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/ năm đạt trên 70%; Tỷ lệ cặp vợ chồng thực hiện các BPTT hiện đại đạt trên 72%.
Các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân được thực hiện thường xuyên
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế thành phố và các phường, xã tăng cường tổ chức tư vấn nhóm nhỏ, hộ gia đình, nhất là với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về công tác KHHGĐ, chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh và những lợi ích; vận động người dân tham gia thực hiện sàng lọc, phát hiện, can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân về mục tiêu nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ. Các hoạt động của Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được đẩy mạnh. Các bà mẹ mang thai đã được tư vấn đi khám lấy mẫu máu để tiến hành sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm các dị tật ở trẻ, trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Góp phần triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu về Dân số- KHHGĐ trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Y tế thành phố đã thực hiện tuyên truyền cho 457 bà mẹ mang thai kiểm tra sàng lọc trước sinh để từng bước nâng cao chất lượng dân số. 324 trẻ được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh. Duy trì sinh hoạt của Câu lạc bộ Tư vấn và kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân tại xã, phường. Tổ chức được 18 buổi sinh hoạt câu lạc bộ với 455 người tham dự; có 76 đối tượng nam, nữ được tư vấn về lợi ích của việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân. Ngoài ra, Trung tâm Y tế thành phố cũng chỉ đạo đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện các dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cho các đối tượng sử dụng, trên cơ sở bảo đảm hậu cần, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ và đa dạng hoá các hình thức cung cấp dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho đối tượng. Đã triển khai đặt vòng duy trì trên 2.800 trường hợp; cấy thuốc tránh thai duy trì 163 trường hợp; Đình sản duy trì 198 trường hợp; Tiêm tránh thai cho 30 trường hợp; tư vấn và hướng dẫn dùng các biện pháp tránh thai hiện đại cho gần 10 nghìn trường hợp. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được kiểm soát; cải thiện tình trạng sức khoẻ bà mẹ. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ giảm sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của thành phố có chuyển biến tích cực. Mô hình tư vấn và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng đồng tiếp tục được duy trì; lồng ghép với các hoạt động truyền thông tại các địa phương nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10) và Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam. Nhờ vậy, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện, trong năm 2023, tuổi thọ trung bình của người dân trên địa bàn thành phố đạt 74,3 tuổi; số năm sống khỏe đạt 68 năm.
Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay, thành phố chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh công tác truyền thông về thành tựu đạt được về công tác dân số trong thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với ban, ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thực hiện các chương trình lồng ghép Dân số - KHHGĐ với các công tác khác. Tăng cường chỉ đạo và giám sát việc xây dựng xã, phường, thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên. Triển khai đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân thực hiện chính sách Dân số; tiếp tục chỉ đạo duy trì hoạt động 15/15 mô hình Mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ luỵ của mất cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai. Duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Tư vấn và Kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân. Đẩy mạnh hoạt động của Chương trình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 15/15 xã, phường. Tiếp tục cập nhật thông tin di biến động về dân số vào kho dữ liệu điện tử và thực hiện báo cáo thông tin qua mạng điện tử.
Lê Hương (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)