Người dân tập trung chăm sóc đàn vật nuôi phục vụ thị trường Tết
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, ngay sau khi khắc phục thiệt hại do bão số 3, người chăn nuôi trên địa bàn thành phố Yên Bái đã bắt tay vào tái đàn, chăm sóc đàn vật nuôi.
Mô hình nuôi lợn rừng Thái Lan của gia đình ông Nguyễn Thế Mạnh, xã Văn Phú đem lại hiệu quả kinh tế
Gia đình ông Nguyễn Thế Mạnh, thôn Tiên Phú, xã Văn Phú là một hộ chăn nuôi lợn đã nhiều năm. Giống lợn gia đình chọn nuôi là lợn rừng Thái Lan, có sức đề kháng tốt, sinh trưởng tốt. Gia đình chăn nuôi theo phương thức tự cung nguồn con giống, đàn gối đàn. Nguồn thức ăn của lợn chủ yếu là rau, củ, quả do gia đình trồng cấy, chất lượng thịt thơm ngon. Với quy mô 250m2 chuồng trại, được phân theo khu vực riêng như khu nuôi lợn nái, lợn đực giống, lợn con và lợn thương phẩm. Hiện gia đình duy trì 3 con lợn nái, trung bình mỗi lứa nuôi từ 20 - 30 lợn thương phẩm. Nhằm đảm bảo cung ứng ra thị trường dịp cuối năm, gia đình đã chủ động chăm sóc đàn lợn thương phẩm hiện có. Với giá bán thời điểm hiện tại là 150 nghìn đồng/kg, đến thời điểm Tết có thể cao hơn, sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, xã Văn Phú đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người chăn nuôi đầu tư phát triển quy mô. Nhờ đó, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ, duy trì quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung. Một số hộ đã đầu tư các mô hình chăn nuôi lợn lai rừng, lợn rừng Thái Lan. Ông Lê Sỹ Dần - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết: hiện nay trên địa bàn xã Văn Phú có 352 hộ chăn nuôi gia cầm, với số lượng trên 20 nghìn con; 90 hộ chăn nuôi lợn với quy mô gần 2 nghìn con. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp cuối năm, các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn xã Văn Phú đang tích đầu tư chăm sóc gia cầm và lợn đảm bảo chất lượng, chú trọng về phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn chuồng trại và tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi. Đây là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Gia đình chị Phan Thị Hương, xã Tân Thịnh tập trung chăm sóc đàn gà 300 con phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 hồi tháng 9, gia đình chị Phan Thị Hương, thôn Trấn Thanh, xã Tân Thịnh bị thiệt hại 200 con gà. Để khôi phục chăn nuôi, gia đình chị Hương đã bắt tay vào tái đàn ngay sau đó.Thời điểm này, gia đình chị Hương đang tích cực chăm sóc đàn gà quy mô 300 con để kịp thời cung cấp ra thị trường dịp Tết sắp tới. Theo chị Hương thì trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị luôn tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, đồng thời thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Gia đình chăn nuôi theo gà thả vườn, thịt dai, ngon được thị trường ưa chuộng nên sản phẩm dễ bán.
Tân Thịnh là một trong những địa bàn có số lượng quy mô đầu đàn vật nuôi lớn nhất thành phố. Với số lượng đầu đàn gần 5 nghìn con lợn, trên 50 nghìn con gia cầm. Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn, xã Tân Thịnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, gà trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã chủ động chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm sạch, an toàn cho thị trường Tết, cũng như góp phần để người dân địa phương nâng cao thu nhập.
Ông Trung Hải Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh trao đổi: xác định chăn nuôi là một lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở địa phương, thời gian qua xã Tân Thịnh đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chúng tôi tập trung tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh, phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc con giống, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, nhằm chuẩn bị nguồn cung ổn định cho thị trường Tết.
Thời điểm này người chăn nuôi trên địa bàn tập trung chăm sóc đàn vật nuôi phục vụ thị trường Tết
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn thành phố bị thiệt hại gần 7 nghìn con con lợn và 72.216 gia cầm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của các hộ chăn nuôi, cũng như nguồn cung thực phẩm trong dịp cuối năm trên địa bàn. Để nhanh chóng phục hồi đàn vật nuôi, thành phố đã chỉ đạo ngành chuyên môn cùng các xã, phường xuống cơ sở, rà soát, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật tái đàn phục vụ nhu cầu của thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại tổng đàn gia súc chính ước đạt 28.548 con, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm 670,6 nghìn con.
Thời điểm cuối năm, tình hình thời tiết diễn biến bất thường là điều kiện phát sinh dịch bệnh nhất là dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm ảnh hưởng không nhỏ đến đàn vật nuôi. Chính vì vậy ngành chuyên môn ở thành phố khuyến cáo người chăn nuôi ngoài chăm sóc đàn gia súc, gia cầm bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết thì cần phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chuỗi liên kết để đảm bảo đầu ra theo hướng bền vững.
Việt Hà - Đức Hiệp (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)