Ngày 20/08/2024 07:55

Linh thiêng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Đền Rối - Chùa Minh Pháp

Quần thể di tích Đền Rối và Chùa Minh Pháp tọa lạc dưới chân một quả đồi hình bát úp rợp bóng cổ thụ tại thôn Trấn Ninh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, nằm cách Trung tâm thành phố khoảng 3km, trên trục đường Âu Cơ ra cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Năm 2005, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 460/QĐ-UBND công nhận đền và chùa Rối xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 Khu di tích đền Rối

Theo các bậc cao niên ở Tân Thịnh, đền Rối được khởi dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19. Theo ngọc phả của Đền, thì ngôi đền thờ 5 vị Thành hoàng có tên là Cao Lễ Đại Vương, Cao Kha Đại Vương, Cao Đạt Đại Vương, Cao Tự Đại Vương, Đỗ Đốc Mãnh Đại Vương. Ngoài ra, Đền Rối còn thờ một công chúa có tên là Ngọc Dung - con thứ 8 của Hùng Triệu Vương và bà Phạm Nguyên Phi. Đền Rối từng được các triều Vua phong kiến nhà Nguyễn ban cho hai đạo sắc phong. Đạo thứ nhất được sắc phong vào ngày 8 tháng 6 (nhuận) năm 1911 đời vua Duy Tân năm thứ 5. Đạo thứ hai sắc phong vào ngày 25 tháng 7 năm 1924, đời vua Khải Định.

Ông Nguyễn Văn Ngọ - Thôn Thanh Hùng xã Tân Thịnh cho biết: Đến đời tôi là đời thứ 5 cũng là con cháu của các cụ quản lý khu di tích lịch sử đền làng Yên và Đền Rối – chùa Minh Pháp xã Tân Thịnh. Hiện quần thể di tích đã được tôn tạo lại, khang trang, to, đẹp hơn. Đến nay đã được 20 năm, khu di tích này được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, bà con nhân dân chúng tôi luôn đoàn kết, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích này.

 

Đền có kiến trúc theo kiểu chữ nhất với một gian đại bái và một gian hậu cung - được làm theo kiểu nhà sàn. Gian đại bái, còn giữ được nguyên trạng kiến trúc mỹ thuật cổ triều Nguyễn với những đường nét chạm trổ tinh xảo trên xà nóc, đầu bẩy và các bộ cửa võng theo đề tài: lưỡng long chầu nguyệt, long ẩn, hổ phù, đề tài tứ linh, hoa, điểu…Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đền và chùa trở thành nơi ở và nơi làm việc của cán bộ cách mạng. Trong đền, hiện còn giữ được khá nhiều hiện vật và đồ thờ cổ như: ngai thờ, bát nhang, ngựa thờ, hòm sắc.

Hàng năm, Lễ hội Đền Rối thường được tổ chức vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng cùng với nghi thức cúng tế Sơn Thuỷ Thần Linh trong những ngày đầu xuân, tại đền còn tổ chức hội hát Văn. Cũng là dịp để du khách thập phương đến dâng hương cầu lộc, cầu chữa lành bệnh, cầu bình an. Ngày nay, cùng với các ngày lễ chính trong năm, Đền Rối thường xuyên mở cửa đón du khách thập phương đến chiêm bái và tham quan. Bà Nguyễn Thị Hà - Thôn Trấn Ninh, xã Tân Thịnh nói: Chúng tôi rất tự hào khi quần thể di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh đền Rối – chùa Minh Pháp nằm trên địa bàn thôn Trấn Ninh. Chúng tôi thường xuyên quảng bá, giới thiệu tới bạn bè gần xa về giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích để mọi người được biết và đến tham quan, bái yết.

Quần thể di tích đền Rối – chùa Minh Pháp tọa lạc dưới tán cổ thụ bốn mùa tỏa bóng xanh mát

Ngược lên đỉnh đồi không bao xa là Chùa Rối. Ngôi chùa này cũng nằm trong cụm Di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Rối. Theo ngọc phả, chùa được đổi tên là Minh pháp tự. Tọa lạc dưới tán đa cổ thụ bốn mùa tỏa bóng xanh mát. Theo lịch sử Chùa cũng được dựng lên đồng thời với di tích Đền Rối, ban đầu chùa cũng được dựng bằng tranh tre, nứa lá, nhỏ hẹp đơn sơ, theo hướng Tây nam và cũng được quen gọi theo địa danh là Chùa Rối. Năm 2010, Chùa Rối chính thức có tên pháp tự là Chùa Minh Pháp.

Ông Phạm Đình Quý - Tổ trưởng tổ phục vụ Đền Rối, chùa Minh Pháp, xã Tân Thịnh cho biết: Trung bình hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán có khoảng 5 nghìn phật tử đến bái Phật và thăm quan thắng cảnh. Công tác đảm bảo an ninh trật tự cũng được chú trọng. Bên cạnh việc tôn tạo khu di tích, xây chùa, xây đền, xây lầu, làm ao, nhà chùa dành ra 2,7 ha trồng cây dổi, cây lát với 3 nghìn cây xung quanh khu vực đồi, hứa hẹn sẽ tạo nên rừng gỗ quý, tạo cảnh quan đẹp cho  khu di tích nói riêng và của xã Tân Thịnh nói chung.

Trải qua thời gian, hiện nay đền và chùa Minh Pháp đã được tu sửa, tôn tạo nhiều lần cùng hệ thống khuôn viên vườn chùa đã góp phần tạo điểm nhấn quan trọng trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh của du khách thập phương. Ông Chu Văn Hải, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội cho biết: Bản thân tôi đã đi tham quan, bái yết rất nhiều đền, chùa trên cả nước. Đây là lần đầu tiên tôi đến đền Rối - Chùa Minh Pháp, thật sự thấy cảnh quan, kiến trúc, cách sắp xếp bố trí của khu di tích rất đẹp. Lần sau có dịp tôi sẽ lại lên đây lễ Phật, Lễ Mẫu.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, xã Tân Thịnh luôn quan tâm đến công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Trong đó xã chú trọng tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tới du khách về khu di tích. Ông Trung Hải Sâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh trao đổi: từ khi được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh,  Đảng ủy, chính quyền thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý di tích và tổ quản lý phát huy giá trị lịch sử và giá trị văn hóa của di tích đền Rối – Chùa Minh Pháp. Chúng tôi tập trung giới thiệu quảng bá, giới thiệu trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội để du khách thập phương biết và đến thăm quan, bái yết. Đồng thời tu sửa kịp thời các hạng mục xuống cấp.Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quảng bá, giới thiệu về di tích, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quản lý di tích, trong đó có thể khôi phục các lễ hội truyền thống; đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp – văn minh.

Quần thể di tích Đền Rối – Chùa Minh Pháp, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái với những giá trị lịch sử, văn hoá sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách thập phương tham quan, chiêm bái trong cuộc hành trình du lịch tâm linh khi đến với thành phố Yên Bái. 

Việt Hà - Đức Hiệp (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác