Ngày 21/04/2023 12:27

Đền Tuần Quán phường Yên Ninh - Ngôi Đền linh thiêng gắn với chứng tích lịch sử

Nằm trong quần thể các di tích lịch sử của thành phố Yên Bái, từ lâu, Đền Tuần Quán phường Yên Ninh đã nổi tiếng là một ngôi Đền tôn nghiêm, cổ kính với nhiều chứng tích lịch sử còn nguyên giá trị. Với những nét đặc trưng, sự thành kính trang nghiêm, vào mỗi dịp đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức trở về Đền để trảy hội, vãn cảnh, cầu tài cầu lộc, cầu cho một năm may mắn, mưa thuận gió hoà, Quốc thái dân an. Hằng năm, từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch), đền Tuần Quán lại tổ chức lễ hội giỗ Mẫu. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của Đền.

 Các đại biểu khảo sát không gian tổ chức Lễ hội Đền Tuần Quán năm 2023

Theo sách Hưng Hoá Phong Thổ Lục triều Lê và Đại Nam Nhất thống chí triều Nguyễn thì Đền Tuần Quán có tên gọi "Đền thần Diệp Phu Nhân Bách Lẫm". Trong sắc phong được các quan và nho sĩ sử dụng là "Đền Quốc Mẫu Thánh ân Bách Lẫm". Trước thế kỷ 19, dân gian thường gọi "Miếu Quán Tuần". Từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, đền chính thức có tên là "Đền Tuần Quán". Đền thuộc tổng Bách Lẫm, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hóa, nay thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Lịch sử ghi lại: Đền có từ đầu thế kỷ 15. Đền thờ mẫu Liễu Hạnh, tương truyền bà chính là Quỳnh Hoa công chúa giáng trần đã có công “Hộ quốc tý dân”.  Liễu Hạnh đã lên Yên Bái, hiển ứng ở đền Tuần Quán hóa thành bà già chữa bệnh cho dân, cứu giúp người hoạn nạn, trừ bạo, đem lại sự công bằng cho dân chúng. Vì vậy, vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng 44 đã ban cho sắc phong là “Đức chúa Quốc Mẫu Hoàng Ân Phương Dung” và được nhân dân  tôn là Thánh Ân thờ tại đền Tuần Quán. Hiện nay Đền Tuần Quán còn lưu giữ hơn 20 đạo sắc phong qua các thời kỳ; 03 bức hoành phi câu đối; các hiện vật chất liệu đồng: thau đồng, chuông đồng, đài nến, lư hương, bát hương, hạc đồng, bát bửu; các hiện vật bằng chất liệu gỗ: Hoành phi, câu đối, tượng; các hiện vật bằng gốm sứ: chum đựng nước thờ, bát hương, lộc bình, lọ hoa. Tổng 31 hiện vật bằng gỗ; 15 hiện vật bằng gốm sứ; 21 hiện vật bằng đồng.

Không gian trưng bày các nguyên bản của Đền Tuần Quán tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái

Ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái thông tin: Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đang lưu trữ nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến Đền Tuần Quán, đặc biệt năm 1980 Bảo tàng tỉnh được tiếp quản từ UBND xã Minh Bảo bộ siêu tập các đồ thờ tự liên quan đến tượng Mẫu, các sắc phong, đặc biệt là các đồ thờ tự liên quan đến Đền như mộc bản dưới triều Nguyễn. Năm 2021, Bảo tàng tỉnh đã tiếp tục được tiếp nhận và lưu trữ 1 quả chuông năm Tự Đức thứ 21 từ một đơn vị thi công kè bờ sông Hồng... Có thể thấy đây là một trong Đền khá nổi tiếng và ling thiêng ở Yên Bái. Cùng với đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, đền Tuần Quán là khởi nguồn trong du lịch tâm linh đến với Yên Bái, đặc biệt đến với đạo Mẫu.

Đội tế lễ của Đền Tuần Quán

Cũng theo “Hồ sơ Di tích đền Tuần Quán” có ghi thì vào chiều 9/2/1930, các chí sĩ yêu nước của Việt Nam Quốc dân Đảng thuộc Chi bộ Xuân Lũng (Phú Thọ) đã bàn kế hoạch khởi nghĩa Yên Bái tại đền Tuần Quán. Năm 1940,  đồng chí Hoàng Văn Thụ - Ủy viên Thường trực Trung ương Đảng và đồng chí Bùi Đức Minh đã đi tàu và xuống ở khu vực Tuần Quán vào lưu trú ở đền. Đền là nơi thông tin cho nhân dân biết nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập vào ngày 2/9/1945 và cũng là nơi được chọn làm chi nhánh quyên góp trong “Tuần lễ vàng” ủng hộ kháng chiến của Chính phủ. Tháng 7/1946, đền là điểm hội quân của nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn Chiến khu I trước khi tấn công bọn phản động Việt Quốc, giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ. Từ năm 1947 - 1954, Đền là khu vực nằm trong tuyến phòng thủ quân sự quan trọng bảo vệ thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái).

Gian chính điện tại Đền Tuần Quán

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, năm 2005 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cấp bằng chứng nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của các tín đồ phật tử thập phương mà còn trở thành nơi ghi dấu những sự kiện, những mốc lịch sử quan trọng của đất nước gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc. Với những nét đặc trưng, sự thành kính trang nghiêm, hằng năm, vào mỗi dịp đầu xuân, du khách thập phương lại nô nức trở về Đền để trảy hội, vãn cảnh, cầu tài cầu lộc, cầu cho một năm may mắn, mưa thuận gió hoà, Quốc thái dân an.

Chị Đinh Thị Nguyên- huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chia sẻ: Hằng năm vào mỗi dịp đầu xuân mới hay ngày rằm, mùng một người dân đến với Đền rất đông, tôi và người thân, bạn bè thường đến với Đền Tuần Quán phường Yên Ninh để vẫn cảnh, chiêm bái cầu may mắn, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, bình an. Những năm qua ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo cảnh quan cũng đẹp khang trang hơn càng làm cho di tích lịch sử thêm linh thiêng và nổi tiếng trong hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương.

Để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ đến công lao của Mẫu Liễu Hạnh (vị thần cao nhất ở đền Tuần Quán), hằng năm từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch), đền Tuần Quán lại tổ chức lễ hội giỗ Mẫu (Ngày 3 tháng 3 âm lịch Đền tổ chức chính hội). Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của Đền. Ba năm qua, do dịch bệnh Covid-19, các nghi thức lễ hội hạn chế được tổ chức, song Đền vẫn là điểm sinh hoạt tâm linh của nhân dân trong và ngoài địa phương. Năm nay, nhằm góp phần cho lễ hội diễn ra thực sự vui tươi, trang nghiêm, lễ hội Giỗ Mẫu đã được Ban tổ chức đã chỉ đạo tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, phần lễ được thực hiện theo nghi lễ truyền thống, gồm: tế lễ, tấu sớ, lễ dâng hương; lễ theo nghi thức nhà nước, gồm: ôn lại lịch sử truyền thống đền Tuần Quán, khai mạc hội và văn nghệ chào mừng. Ông Nguyễn Trí Canh - Đội trưởng đội tế Đền Tuần Quán phường Yên Ninh cho biết. Để bày tỏ lòng thành kính, yêu mến ngưỡng mộ đối với công lao  đức độ của thánh Mẫu, trong phần tế lễ có nghi thức dâng hương đội tế của di tích chúng tôi đã tích cực luyện tập chuẩn bị các điều kiện theo đúng theo nghi thức tế lễ dân gian để phục vụ cho lễ hội. Thông qua đó vừa là lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.

Nhân dân tham gia thi bắn nỏ tại lễ hội Đền Tuần Quán

Trong phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi như tổ chức văn hóa, văn nghệ, nhảy sạp, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn... Và ngay từ đầu tháng 2 dương lịch các tín đồ và Nhân dân trên địa bàn phường Yên Ninh đã có nhiều hoạt động để hướng về ngày hội. Tổ chức luyện tập các tiết mục văn nghệ, tham gia thi đấu thể thao...Thông qua những hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian nhằm tạo cho ngày hội thêm sống động và thực sự trở thành nơi giao lưu văn hóa có ý nghĩa. Bà Nguyễn Thị Minh, tổ 2 phường Yên Ninh chia sẻ: Năm nay phường Yên Ninh tổ chức lễ hội giỗ Mẫu là người con của quê hương, chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động trong lễ hội, trong đó tôi đã cùng với các đội văn nghệ của tổ dân phố, của phường luyện tập các tiết mục văn nghệ thật hay, đặc sắc để biểu diễn phục vụ Nhân dân và du khách thập phương. Qua đó, để góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, nhưng cũng góp phần quảng bá về điểm du lịch tâm linh của địa phương cũng như đất và con người Yên Bái thân thiện mến khách.

Cùng với các hoạt động trên, lễ hội giỗ Mẫu (Ngày 3 tháng 3 âm lịch tới được Ban tổ chức lễ hội phường Yên Ninh chỉ đạo cụ thể trang trọng; huy động các lực lượng tham gia vệ sinh, trang trí không gian xung quanh Đền nhằm tạo cảnh quan di tích Đền Tuần Quán ngày một khang trang, sạch đẹp. Phân công các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn du khách thập phương đến trảy hội và vãn cảnh ...

Phần thi trình bày các lễ vật dâng Giỗ Mẫu tại lễ hội Đền Tuần Quán

Đến thời điểm này, mọi hoạt động chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất. Ông Lê Biên Giới, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Ninh trao đổi: Để phát huy giá trị văn hóa và thu hút các phật tử và du khách thập phương đến với đến với khu Di tích lịch sử Đền Tuần Quán, trong những năm thời các hoạt động về lễ hội sẽ được chúng tôi duy trì tổ chức hàng năm. Thông qua đó, chúng tôi kêu gọi du khách thập phương và nhân dân trên địa bàn quan tâm tham gia đóng góp để góp phần trùng tu, tôn tạo di tích ngày một phát triển hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn có sự quan tâm của tỉnh, thành phố quan tâm cải tạo và mở rộng khu di tích, đồng thời trong thời gian tơi chúng tôi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức lễ hội theo quy mô cấp thành phố.

Lễ hội đền Tuần Quán là một hoạt động sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng truyền thống có từ lâu đời, góp phần khẳng định, tôn vinh văn hóa dân tộc và tỏ lòng thành kính đối với Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây cũng là dịp giúp giáo dục truyền thống văn hóa, nền văn hiến, cũng như lòng yêu nước và tinh thần cách mạng kiên cường cho cán bộ và Nhân dân. Đồng thời, đây cũng là địa điểm sinh hoạt tâm linh của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh; là điểm khởi nguồn trong du lịch tâm linh hàng đầu khi đến với Yên Bái./.

Lê Hương -Thanh Nghị (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác