Ngày 30/12/2021 09:03

Khu di tích lịch sử Quốc gia - Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái

Khu di tích lịch sử Quốc gia - Sân vận động thành phố Yên Bái (nơi tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh) nằm trên địa bàn tổ dân phố Hồng Phong, phường Hồng Hà. Ngày 25/9/1958, tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên thăm, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đây cũng là nơi các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, Nhân dân trong và ngoài địa phương tới dâng hương tưởng niệm và báo công dâng Bác vào các ngày kỷ niệm trọng đại của Đất nước, của tỉnh và thành phố.

 

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn (Lào) thăm Khu di tích lịch sử Sân vận động thành phố Yên Bái

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trên khán đài A, Sân vận động thành phố Yên Bái. Sân vận động thành phố Yên Bái có từ khi thực dân Pháp hoàn thành việc đánh chiếm và thành lập tỉnh Yên Bái (1900). Năm 1927, để phục vụ đời sống tinh thần của binh lính, nhất là các hoạt động văn hoá - thể thao, thực dân Pháp cho xây dựng Sân vận động, đến năm 1930 mới hoàn thành, lúc này sân chưa có khán đài, chỉ là các mô đất cao Pháp cho đắp xung quanh sân để tiện cho người xem bóng đá, lễ hội... do chúng tổ chức.

Năm 1954, sau hòa bình lập lại, tỉnh Yên Bái chủ trương khôi phục lại sân bóng thành Sân vận động thị xã. Tháng 01/1957, tỉnh Yên Bái cho xây dựng khán đài (lễ đài hiện nay) và tường bao quanh sân.

Ngày 25/9/1958, Sân vận động đón gần 5.000 cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc thị xã Yên Bái cùng đồng bào các vùng lân cận đến gặp và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện, khi Người lên thăm và làm việc tại Yên Bái.

Ngày 31/5/1966, máy bay Mỹ ném bom làm sập một góc của Di tích. Năm 1977 tỉnh cho chủ trương sửa chữa lại Khu Di tích, thay cửa hình vòm bằng cửa hình vuông, một số kiến trúc bị đỗ vỡ được xây lại, nhưng toàn bộ kiến trúc vẫn được giữ nguyên như cũ.

Năm 1988, Khu di tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, theo Quyết định số 1288/VH-QĐ, ngày 16/11/1988 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Lực lượng Công an thành phố Yên Bái dâng hương tưởng niệm Hồ Chủ Tịch tại khu di tích

Năm 2016, để chuẩn bị cho kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ lên thăm Yên Bái (1958 - 2018), Khu Di tích Lễ đài Sân vận động thành phố Yên Bái đã được tỉnh cải tạo nâng cấp bao gồm 07 hạng mục công trình: Chỉnh trang nâng cấp 2 tuyến đường tiếp cận với sân vận động, cải tạo mở rộng khu tưởng niệm Bác Hồ và hai bên khán đài với quy mô 4.300 chỗ ngồi, xây dựng hệ thống phụ trợ cấp thoát nước, phòng cháy, chữa cháy, đèn chiếu sáng, hệ thống thu sét, cổng ra vào, phòng thờ Bác….

Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Yên Bái và tỉnh Viêng Chăn (Lào) chụp ảnh lưu niệm tại phòng lưu niệm, của Khu Di tích

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (phòng thờ) được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc tưởng niệm Bác Hồ tại Kim Liên, Nghệ An quê Bác, với chất liệu chủ yếu bằng gỗ và các hoa văn như hoa sen, hoa cúc với cách điệu miềm mại, tinh tế làm tăng thêm dáng vẻ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, hòa quện với những nét kiến trúc hiện đại khang trang, càng làm tăng thêm sự tôn kính với Bác. Công trình được Nhà nước đầu tư hơn 60 tỷ đồng.

Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích

Mang ý nghĩa văn hóa lịch sử to lớn, Khu di tích không chỉ là điểm đến thăm quan, dâng hương tưởng niệm Bác của Nhân dân và du khách, mà nơi đây mãi là nơi lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về vị Lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Cổng chính vào Sân vận động thành phố Yên Bái

Đào Hạnh (Ban Tuyên giáo Thành ủy Yên Bái)

Các tin khác