Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử địa phương ở Đảng bộ thành phố Yên Bái
Trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạp của các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng ở Đảng bộ thành phố đã đạt được những kết quả nhất định. Từ 2018 – 2024, công tác nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, tái bản ở Đảng bộ, lịch sử truyền thống được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, khoa học: Ngay sau khi Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 20/6/2018 của Tỉnh ủy, Thành ủy Yên Bái đã ban hành Hướng dẫn số 37-HD/TU, ngày 20/9/2018, Ban Tuyên giáo Thành ủy có Công văn số 139-CV/ BTGTU, ngày 24/9/2018 về việc hướng dẫn viết lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Kết quả, toàn Đảng bộ đã có 24 công trình được tái, xuất bản. Trong đó, có nhiều công trình có giá trị như: Lịch sử Đảng bộ thành phố Yên Bái, Tập I (1945 – 2020), một số công trình của các đảng bộ các xã, phường, cơ quan, đơn vị... đã góp phần quan trọng trong công tác lý luận, tổng kết thực tiễn ở địa phương, đơn vị trong Đảng bộ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn (Lào) thăm Khu di tích lịch sử Sân vận động thành phố
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương có nhiều chuyển biến, nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc quảng bá, giới thiệu lịch sử địa phương (hàng nghìn tiết dạy về lịch sử địa phương, kết nối giao lưu với các địa phương trong tỉnh, trong nước và quốc tế; các nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tàng; học sinh được tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử địa phương mình qua các cuộc thi về lịch sử; các trường thành lập Câu lạc bộ Lịch sử …); Hội Cựu Chiến binh thành phố có hàng nghìn buổi nói chuyện truyền thống cho học sinh và hội viên trên địa bàn…. Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thành ủy Yên Bái, Ban Tuyên giáo đã Biên soạn kịp thời tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương; các công trình sau khi xuất bản đã ngoài việc in ấn xuất bản sách còn được đăng tải trên chuyên trang của Bản tin Đảng bộ thành phố qua đó cung cấp thông tin, luận cứ khoa học, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử địa phương trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai học tập, quán triệt thực hiện Chỉ thị 20-CT/TWvẫn còn một số hạn chế nhất định:Các tổ chức đảng khối cơ quan, lực lượng vũ trang; các phòng, ban, cơ quan, đơn vị chi khác hạn hẹp, không được hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác biên soạn, xuất bản, tái bản lịch sử Đảng; việc sưu tầm, lưu trữ tư liệu của một số đơn vị có những thời điểm chưa được quan tâm hoặc thất lạc do bàn giao công tác, do thiên tai…, có những đơn vị nhiều cán bộ có thâm niên công tác đã luân chuyển ra khỏi địa phương hoặc qua đời nên thiếu nhiều sự kiện và hình ảnh hoạt động; ở cơ sở cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệmnên chất lượng biên soạn lịch sử chưa cao, mất nhiều thời gian thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung...
Cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thăm quan Khu di tích Lịch sử Quốc gia Nguyễn Thái Học
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư theo Thông báo Kết luận số 251-KL/HVCTQG, ngày 09/10/2023 của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục, biên soạn lịch sử Đảng” ở Đảng bộ thành phố Yên Bái trong thời gian tới, chúng ta cần làm tốt một số giải pháp như sau:
Một là, đối với công tác biên soạn các công trình lịch sử: Các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, có ý nghĩa to lớn trong công tác tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng trong tình hình mới.
Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch để bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước để đảm bảo cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích cách mạng, di tích lịch sử - văn hóa. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào việc tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn để qua đó thu hút được đông đảo người dân và du khách đến thăm quan, học tập và nghiên cứu qua đó khơi dậy lòng yêu nước, ý chí vươn lên xây dựng quê hương, đất nước. Tổ chức, sắp xếp công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu phục vụ công tác biên soạn sau này một cách khoa học, như quản lý số hóa toàn bộ hệ thống tư liệu lưu trữ, đáp ứng các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác tra cứu, nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng. Tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy Đảng, cán bộ phụ trách được học tập, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết kiến thức về lịch sử, quản lý ngành, có kỹ năng tuyên truyền… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Cuốn lịch sử Đảng bộ thành phố
Hai là, đối với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng: Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong toàn Đảng bộ, nhất là thế hệ trẻ với nhiều hình thức đa dạng hơn nữa, khai thác thế mạnh của Interrnet và mạng xã hội để tuyên truyền. Trong đó, đầu tư kinh phí để làm các video phóng sự. Nội dung tập trung vào lý tưởng cách mạng, ý nghĩa của lịch sử Đảng trong tiến trình lịch sử dân tộc để qua đó cổ vũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu, giáo dục lịch sử Đảng. Qua đó, mọi người, nhất là thế hệ trẻ có thể thông qua tài liệu, chứng cứ lịch sử để các em lan tỏa, giới thiệu đến bạn bè quốc tế; chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử.
Bến phà Âu Lâu lịch sử
Tiếp tục số hóa các công trình lịch sử đã phát hành trên chuyên mục của Bản tin Đảng bộ thành phố để người đọc, nhà nghiên cứu, sưu tầm dễ tra cứu, tìm hiểu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống thành phố Yên Bái; định kỳ tổ chức các cuộc thi trực tiếp và trực tuyến để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia thi, tìm hiểu về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống.
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Sân vận động
Trên cơ sở tài liệu tuyên truyền lịch sử Đảng bộ địa phương đã được biên soạn Trung tâm Chính trị thành phố, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, Các trường THPT trực thuộc Đảng bộ thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy lịch sử địa phương theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Sở Giáo dục – Đào tạo. Nghiên cứu đổi mới phương pháp giáo dục để cho người học hào hứng học tập. Nhất là, phát huy việc học tập kết nối giao lưu của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố; tổ chức các cuộc thi thiết kế video về lịch sử của một số trường gần đây như: THPT Lý Thường Kiệt... tạo điều kiện tốt nhất để thầy và trò nghiên cứu, tra cứu, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng.
Đào Hạnh (Ban Tuyên giáo Thành ủy)