Ngày 16/12/2021 10:17

Di tích lịch sử - văn hóa chùa Tùng Lâm - Ngọc Am

Chùa Tùng Lâm - Ngọc Am thuộc tổ dân phố Hồng Thanh, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Chùa còn có tên gọi khác là Chùa Am, Chùa Tùng Lâm. Nhưng tên phố biến hiện nay mọi người hay gọi là Chùa Am. Chùa là nơi ngoài dịp mùng 1, rằm hằng tháng và hằng năm còn diễn ra các nghi lễ quan trọng như: Lễ Phật đản; Lễ Vu lan ... thu hút được rất nhiều bà con Nhân dân, phật tử trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.

 Chùa Tùng Lâm - Ngọc Am.

Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX do một số thương nhân ở miền xuôi: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... và một số thương nhân người Hoa (TrungQuốc) qua  lại và Nhân dân quanh khu vực đến cầu khấn thần linh phù hộ độ trì.

Tháng 4/1900, sau khi tỉnh Yên Bái được thành lập, Chùa được mở rộng, khang trang hơn và có Sư trụ trì nhờ sự giúp đỡ của một số Bố Chánh như: Bùi Bành, Trần Gia Du. Lúc này Chùa lấy tên là Tùng Lâm. Cũng thời gian này, thực dân Pháp cho di chuyển khu nghĩa trang thị xã cũ phố Cao Su (tổ dân phố Hồng Thái, phường Hồng Hà ngày nay) về khu nghĩa địa (Khu di tích lịch sử NguyễnThái Học ngày  nay). Do đó, toàn bộ đồ thờ, chân nhang tại Am thờ của nghĩa trang phố Cao Su được chuyển về nhập vào chùa Tùng Lâm. Có thể vì lý do đó mà Chùa hiện nay có các tên gọi như trên.

Tháng 5/1966, Chùa bị bom Mỹ ném trúng, bấy giờ Chùa không còn khả năng phục dựng, các hiện vật: tượng, chuông, hoành phi, câu đối… được các tín chủ đưa về gửi tại chùa Bách Lẫm, phường Yên Ninh, đền Nhị Châu, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.

Tháng 12/1973, UBND tỉnh cho phép Công ty Lâm sản Yên Bái xây dựng xưởng sản xuất trong khu khuôn viên Chùa.

Ngày 22/4/1996, thể theo nguyện vọng của bà con Nhân dân và phật tử, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái đồng ý cho khôi phục Chùa Tùng Lâm trên nền đất cũ và đến năm 1998 thì Chùa cơ bản được hoàn thành. Năm 2005, phần đất mà Công ty Lâm sản Yên Bái xây dựng xưởng đã được các cấp thẩm quyền đồng ý chuyển giao lại cho nhà Chùa, đồng thời tiến hành tôn tạo, tu bổ lại chùa. Cũng trong thời gian này, Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn Chùa là nơi hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Yên Bái. Năm 2006, Chùa xây dựng thêm các hạng mục như: Đền thờ Tam phủ, Đức Thánh Trần... đặc biệt là xây dựng cổng Tam quan (cổng cũ).

Ngày 06/02/2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND công nhận Chùa là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngày 08/9/2011,Chùa khởi công xây Lăng tháp Phật thờ Sư tổ Thích Đàm Phúc (tháp cao 24m70, 9 tầng, thờ 49 pho tượng đức Phật Dược sư. Năm 2013, Chùa chuyển cổng Tam quan từ đường Thanh niên ra đường bờ kè sông Thao (sông Hồng). Ngày 10/10/2018, Chùa tiến hành xây dựng trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh YênBái, với diện tích 1.250m2, gồm 3 tầng và 1 tum chống nóng, cuố inăm 2019 hoàn thành và đi vào sử dụng.Ngày 04/6/2021 (24/4 AL), Chùa khởi công xây dựng lại chùa chính, với quy mô 365m2, nội thất toàn bộ bằng gỗ lim, mái lợp ngói hài… Công trình xây dựng xong sẽ là một trong điểm nhấn quan trọng góp phần làm phong phú hơn đời sống sinh hoạt tâm linh của Phật  tử, Nhân dân trên địa bàn và khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh và hành lễ.

Với hàng trăm năm hình thành, phát triển, cùng nhiều biến cố, ngôi chùa ban đầu chỉ là một Am nhỏ đến nay trở thành Trung tâm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Yên Bái. Chùa không những là nơi hành và truyền đạo, nơi hoạt động của Giáo hội, mà chùa còn là chứng tích lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố Yên Bái./.

Dưới đây là một số hình ảnh của chùa Tùng Lâm – Ngọc Am.

  

Đào Hạnh - Ban Tuyên giáo Thành ủy (Sưu tầm)

Các tin khác