Ngày 28/06/2024 15:41

Di tích lịch sử văn hóa đền Bà Áo Trắng

Nằm trên địa bàn tổ1, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái, bên hữu ngạn sông Thao (sông Hồng đoạn chảy qua Yên Bái), đền Bà Áo Trắng được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, năm 2012. Đền còn có tên gọi khác là đền Lũ Điền, đó là cách gọi nôm na, lấy theo tên vùng đất là xã Lũ Điền, thuộc tổng Giới Phiên, huyện Trấn Yên, tỉnh Hưng Hóa xưa.

 Di tích lịch sử đền Bà Áo Trắng (Ảnh tư liệu)

Đền Bà Áo Trắng là nơi thờ Tam tòa thánh mẫu và là di tích có từ lâu đời. Đền được Nhân dân làng Lũ Điền xưa xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Đến nay, đền Bà Áo Trắng vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ, đền gắn với những sự kiện lịch sử cách mạng có ý nghĩa trọng đại của dân tộc. Là ngôi đền do dòng họ Hà, họ Nguyễn, họ Lý từ Thanh Hóa, Phú Thọ lên khai phá, lập làng, lập ấp tại xã Lũ Điền xưa kia (nay là phường Hợp Minh) lập nên từ thế kỷ XVII - XVIII.  Cùng với việc khai phá, dựng xây cuộc sống ở vùng đất này, các dòng họ còn xây dựng hệ thống cơ sở tín ngưỡng thờ tự như đình làng Bình Phượng và đền Lũ Điền (đền Bà Áo Trắng ngày nay).

Thời kỳ chống thực dân Pháp (1945 – 1954), đền là nơi che chở cho du kích địa phương, địa điểm tập kết cán bộ, bộ đội và dân công tham gia kháng chiến, là nơi vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường Tây Bắc, nơi Bộ Tư lệnh Liên khu 10 tổ chức lớp học quân chính, nơi kết nạp những cán bộ ưu tú người địa phương cho Đảng, là trạm dưỡng thương, nơi tập kết cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn như chiến dịch sông Thao (1949), chiến dịch Lê Hồng Phong (1950), chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951), chiến dịch Tây Bắc (1952) và chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu” (1954).

Được biết, ban đầu đền được dựng bằng tre, gỗ thô sơ bên hữu ngạn sông Hồng và rước chân nhang từ đền Hùng về thờ phụng. Qua thời gian, đền hư hỏng và xuống cấp, đến năm 1936 cụ Hà Đình Đoán là Lý trưởng lúc bấy giờ và cụ Trần Trung Giảng là chủ xưởng gạch gần đó (xưởng gạch Hợp Minh hiện nay) đứng ra huy động Nhân dân công đức trùng tu, xây dựng lại đền với quy mô như ngày nay. Năm 1945, lũ lụt đã làm hư hại một phần gian đại bái và cuốn trôi nhiều đồ thờ tự, trong đó có các đạo sắc phong của đền. Năm 1972, để đáp ứng nhu cầu thờ phụng của Nhân dân và du khách thập phương, đền được Nhân dân trùng tu và phục dựng lại ba gian đại bái với cột gỗ, lợp cọ.Năm 2007, Nhân dân địa phương và du khách thập phương đứng ra góp công xây dựng nhà đại bái với ba gian, tường xây gạch, mái lợp ngói. Năm 2018, do lũ lụt và thời gian, mái ngói nhà đại bái bị sập, một số hạng mục xuống cấp. Năm 2019, được sự đóng góp của một số tổ chức, cá nhân đền được nâng cấp sửa chữa khang trang như ngày nay. Hàng năm, tại đền thường diễn ra các lễ hội vào ngày 10/1 (âm lịch) lễ chay, ngày 25/2 – 27/2 (âm lịch) chính lễ, ngày 25/8 (âm lịch) lễ chay. Chính lễ diễn ra từ ngày 25 - 27 /2 âm lịch, có khi kéo dài hết ngày 28/2 âm lịch.

Hoạt động tín ngưỡng tại Lễ hội đền Bà Áo Trắng (Ảnh tư liệu)

Hiện nay, đền Bà Áo Trắng còn lưu giữ một số cổ vật, di vật như lư hương cổ cỡ nhỏ và rương đựng sắc phong được sơn son, thiếp vàng mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn. Trước đây, trong lúc đào móng xây dựng miếu Cậu, Nhân dân đã phát hiện 0,5 kg tiền cổ có hình tròn, lỗ vuông,được biết đây là tiền cổ của Việt Nam, có niên đại từ thế kỷ XIII - XVIII.

Hàng năm cứ vào ngày 17/3 âm lịch Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân phường Hợp Minh lại tổ chức lễ hội truyền thống Đền Bà Áo Trắng. Các hoạt động Lễ hội được diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo bà con Nhân dân trong vùng và du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh đền, dâng hương để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ đến công lao đối với các vị thần linh, các bậc tiền bối và những người đã công khai sơn, phá thạch.

Đào Hạnh (Ban Tuyên giáo Thành ủy)

Các tin khác