Phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân trong xét xử tại các phiên tòa
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động Hội thẩm nhân dân (HTND), thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Tòa án nhân dân thành phố luôn quan tâm kiện toàn đội ngũ, nâng cao trình độ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động Hội thẩm nhân dân, giúp đội ngũ Hội thẩm nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia xét xử tại phiên tòa. Đồng thời góp phần để các vụ án đưa ra xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.
Đại diện Hội thẩm nhân dân tham gia công tác hòa giải tại tòa án nhân dân thành phố
Hội thẩm nhân dân thành phố Yên Bái nhiệm kỳ 2021-2026 có 25 người, số lượng và thành phần hội thẩm tương đối đầy đủ và phù hợp với cơ cấu, đa số các vị hội thẩm nhân dân đều là cán bộ quản lý và hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thành phố như: Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ngành giáo dục và đào tạo thành phố... hoặc là người đã nghỉ hưu, có uy tín, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khả năng nghiên cứu, áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Tòa án nhân dân thành phố phân công các Hội thẩm tham gia các phiên toà theo quy định.
Để nâng cao chất lượng hoạt động Hội thẩm nhân dân, Thường trực HĐND thành phố luôn chú trọng giám sát, kiểm tra, đôn đốc TAND tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét xử, trang bị các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác xét xử, cũng như đảm bảo các điều kiện để Hội thẩm nhân dân nghiên cứu hồ sơ, thanh toán chế độ theo luật định. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có cán bộ, công chức là hội thẩm tạo điều kiện về thời gian, công việc để các hội thẩm tham gia xét xử khi được phân công và các hoạt động tập huấn nghiệp vụ. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, hoạt động của Hội thẩm nhân dân ngày càng được nâng cao. Khi được phân công làm nhiệm vụ xét xử, các hội thẩm thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có quan điểm rõ ràng, độc lập, góp phần cùng Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết đúng quy định của pháp luật. Trước khi tham gia xét xử, các hội thẩm đã dành thời gian nghiên cứu hồ sơ, nội dung cần xét hỏi tại phiên tòa để làm sáng tỏ vụ án. Các hội thẩm đã chủ động cùng thẩm phán, chủ tọa phiên tòa tổ chức phiên tòa đảm bảo dân chủ, đúng quy định.
Đặc biệt, trong quá trình xét xử các vụ án điểm, án hình sự có tính điển hình về tội danh, hành vi phạm tội, các vụ án rất nghiêm trọng được dư luận quan tâm, các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân như: mua bán trái phép chất ma túy, trộm cắp vặt, lừa đảo qua mạng xã hội, các Hội thẩm nhân dân đã phân tích, giải thích chính sách, pháp luật cho bị cáo và người tham dự phiên tòa, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên hiểu rõ, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi, tránh vi phạm pháp luật.
Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2024, các Hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử 175 phiên toà hình sự, dân sự và hành chính các loại, trong đó có 29 phiên toà rút kinh nghiệm, 3 phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến; 11 phiên tòa xét xử trực tuyến và 11 phiên tòa xét xử lưu động. Các vụ án đều được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra việc kết án oan hay bỏ lọt tội phậm. Hình phạt đã tuyên đều phù hợp với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội, đảm bảo tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa. Quá trình xét xử án dân sự, hành chính các Hội thẩm đã thận trọng nghiên cứu hồ sơ để có căn cứ đánh giá đúng bản chất sự việc, đảm bảo giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ được quyền lợi của các bên đương sự, chú trọng đến quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Khi tham gia xét xử Hội thẩm đã chấp hành đúng quyết định phân công của Chánh án về tham gia Hội đồng xét xử các phiên tòa, không có phiên tòa nào phải hoãn vì lý do vắng mặt của Hội thẩm. Tham gia các phiên tòa xét xử, hội thẩm luôn sử dụng đúng trang phục theo quy định, đảm bảo tính uy nghiêm của phiên tòa.
Cùng với đó, để nâng cao trình độ pháp lý, các vị HTND đã dành thời gian quan tâm, tìm hiểu về kiến thức pháp luật, tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn do ngành tòa án tổ chức, từ đó giúp các vị Hội thẩm không lúng túng khi tham gia xét xử, giải quyết tốt vấn đề pháp luật đặt ra là Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Khi tham gia xét xử, đội ngũ HTND luôn theo dõi sát diễn biến vụ án, vận dụng kiến thức pháp luật, kinh nghiệm sống vào từng vụ án cụ thể để nhận định nội dung vụ án, đánh giá đương sự cũng như nội dung vụ việc khách quan và thấu tình đạt lý khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Vì vậy các bản án đưa ra luôn bảo đảm công bằng, khách quan, vừa có lý, vừa có tình, giúp cho việc cải tạo, giáo dục con người hướng thiện, giải toả các vướng mắc, tranh chấp trong cuộc sống..
Các Hội thẩm nhân dân được cấp trên khen thưởng trong năm 2024
Có thể khẳng định, với sự tham gia rất tích cực vào công tác xét xử các vụ án của Tòa án, các Hội thẩm nhân dân đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tuyên truyền, giáo dục công dân chấp hành nghiêm pháp luật, giáo dục ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật trong xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Lê Hương (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)