Phát triển kinh tế bằng mô hình trồng nấm linh chi
Những năm qua, trên địa bàn thành phố Yên Bái đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến mô hình trồng nấm linh chi của anh Đoàn Văn Dũng, thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo.
Từ khi tốt nghiệp ra trường năm 2010, anh Đoàn Văn Dũng, thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái là giáo viên dạy hợp đồng tại Trường TH & THCS Minh Bảo; do thu nhập mức lương hợp đồng không đủ chi phí cho bản thân và gia đình, là thanh niên trẻ, năng động, anh Dũng đã quyết tâm làm kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu, thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế anh đã biết đến mô hình trồng nấm và nhận thấy: việc trồng nấm thời gian ngắn, nguyên liệu sẵn có ở địa phương (chủ yếu là mùn cưa), vốn đầu tư không cao mà sản phẩm làm ra lại rất dễ tiêu thụ, đặc biệt các loại nấm sò, mộc nhĩ, linh chi… dễ sinh trưởng, phát triển nhanh và cho năng suất cao, nên năm 2019 anh đã quyết định xin nghỉ việc, đầu tư vốn để khởi nghiệp với mô hình trồng nấm linh chi ngay tại gia đình.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố và địa phương tham quan mô hình trồng nấm linh chi của gia đình anh Dũng
Ban đầu diện tích trồng nấm chỉ khoảng 200m2 để trồng thử nghiệm và đánh giá hiệu quả kinh tế. Sau vài lần trồng thử nghiệm thành công đã tạo thêm động lực, sự hứng khởi, thôi thúc anh gắn bó với nghề trồng nấm. Đến nay anh Dũng đã mở rộng diện tích lên 600m2 với 3 nhà nấm nằm cách biệt nhau chủ yếu là nấm linh chi.
Để trồng nấm linh chi đòi hỏi Nhà trồng phải sạch sẽ, thoáng mát, duy trì độ ẩm và nhiệt độ (từ 28-31oC), phải cẩn trọng, tỉ mẩn trong từng công đoạn; đặc biệt yêu cầu cao đối với nguồn nước sạch và quá trình hấp tiệt trùng để đảm bảo thành phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo quản. Nguyên liệu dùng để trồng nấm là mùn cưa (cây không có tinh dầu) được ủ với nước vôi, sau 15 ngày thì lấy ra hấp tiệt trùng bằng lò áp suất. Chờ 3 ngày sau cho nhiệt độ giảm thì bắt đầu cấy phôi nấm vào các bịch nguyên liệu. Sau khoảng thời gian từ 10 đến 15 ngày thì đem những bịch nguyên liệu này vào hệ thống giá nuôi. Cũng bằng khoảng thời gian trên, những phôi giống phát triển thành nấm non. Thời gian sinh trưởng của nấm linh chi dao động từ 4 đến 6 tháng. Nếu chăm sóc tốt với 100m2 sẽ cho từ 70 đến 100 kg nấm khô thành phẩm.
Anh Đoàn Văn Dũng bên mô hình trồng nấm sò của gia đình
Ngoài nấm linh chi anh Dũng còn trồng thêm nấm sò, nấm mộc nhĩ để gối và xen kẽ vụ, nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiện nay mỗi năm anh Dũng sản xuất được gần 1 tấn nấm linh chi và mộc nhĩ khô để cung cấp ra thị trường. Ngoài ra anh còn bán thêm nấm sò tươi và phôi nấm cho người dân mang về trồng. Sau khi trừ chi phí gia đình anh Dũng có nguồn thu khoảng trên 200 triệu đồng một năm.
Năm 2022, nhằm trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề trồng nấm tại địa phương, anh Dũng cùng 2 hộ trồng nấm trên địa bàn xã đã thành lập Tổ hợp tác kinh tế Trồng nấm mộc nhĩ, linh chi. Ngoài ra, tổ hợp tác còn liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Bảo để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2022, anh Dũng tiếp tục đầu tư mở rộng thêm lán trại, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và đăng ký với xã, thành phố tham gia chấm sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái.
Đây là một trong những mô hình rất thiết thực và hiệu quả, góp phần thúc đẩy các phong trào phát triển kinh tế, có thể coi đây là “mô hình điểm” để nhân dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm nhằm phát triển, nhân rộng nghề trồng nấm, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân./.
Thương Thương (Đoàn thanh niên xã Minh Bảo)