Ngày 27/09/2024 15:24

Doanh nghiệp, cơ sở SXKD kinh doanh nỗ lực khôi phục sau bão lũ

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đãy gây thiệt hại nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố Yên Bái;nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chăn nuôi thủy sản và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh ở khu vực trọng yếu có hàng hóa bị nhấn chìm trong nước. Song,các doanh nghiệp, nhà máy, hộ SXKD đã và đang nhanh chóng khắc phục hậu quả, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và việc làm của người lao động.

 Cán bộ nhân viên Công ty TNHH Hòa Bình khẩn trương dọn bùn đất sau bão lũ

Trung tâm sản xuất nông nghiệp Công nghệ cao tại thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái là đơn vị trực thuộc của Tập đoàn Hòa Bình Minh. Lũ lụt đã làm thiệt hại lớn về tài sản, cơ sở vật chất của Trung tâm sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tổng đàn lợn 4.811 con bị chết, bị lũ cuốn trôi, chỉ còn 50 con sống sót, chuồng trại chăn nuôi bị đổ tường, hư hỏng toàn bộ trang thiết bị hệ thống cấp thoát nước, kho chứa cám, chứa thuốc và các trang thiết bị hư hỏng nặng, bị lũ cuốn đi, bioga phủ bạt có thể tích 9.000m³ bị hỏng nặng,...ước thiệt hại trên 35 tỷ đồng.

Tại Công ty TNHH Hoà Bình đóng trên địa bàn phường Nguyễn Thái Học, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã làm ngập 4 cửa hàng xe máy cùng kho vật liệu xây dựng và làm sập 01 cửa hàng xe máy…Với tổng mức thiệt hại gần 5 tỷ đồng. Bà Bùi Thị Sửu - Giám đốc Công ty TNHH Hoà Bình cho biết: "Đợt mưa bão vừa qua, công ty bị ảnh hưởng nặng nề và doanh nghiệp đang tích cực xử lý với tinh thần chủ động tự khắc phục. Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn thời gian tới được sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền địa phương để ổn định sản xuất kinh doanh”.Hiện, Tổng công ty Hòa Bình Minh, trong đó có công ty TNHH Hòa Bình đã và đang khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất và đảm bảo đời sống cho người lao động.

 

Lãnh đạo hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Doanh nghiệp thành phố khảo sát khu vực sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại của Tổng Công ty Hòa Bình Minh tại xã Tuy Lộc

Công ty Cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái có trụ sở chính đóng trên địa bàn phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái có tổng số 7 nhà máy trực thuộc sản xuất giấy đế, gia công giấy xuất khẩu…Toàn Công ty có tổng số 550 cán bộ, nhân viên và người lao động. Cơn bão số 3 đi qua đã làm thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.

Ông Lê Long Giang - Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết: "Sau khi nước rút, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của cán bộ công nhân trong công ty, đến nay công ty đã đưa được các xưởng sản xuất vào hoạt động đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như tiến độ sản xuất. Toàn bộ nhà máy của Công ty đã đưa vào hoạt động, tuy nhiên do ảnh hưởng của mưa bão khiến một số thiết bị sản xuất bị hỏng, cần phải sửa chữa nên công suất chỉ đạt 70%, hơn 90% công nhân đã tham gia sản xuất. Dù khó khăn song chúng tôi vẫn quyết tâm đạt kế hoạch năm 2024".

Còn Tại Công ty TNHH Unico Global Yên Bái ở Khu Công nghiệp Âu Lâu, đại diện Công ty cho biết: do chủ động các biện pháp phòng tránh nên công ty không bị ảnh hưởng cũng như thiệt hại do mưa lũ. Tuy nhiên, công ty có trên 1.300 nhân viên và người lao động sinh sống ở thành phố và vùng lận cận, trong đó có rất nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng của bão lũ và cũng gặp không ít khó khăn trong công tác khắc phục sau lũ, đặc biệt là mất nhà, mất tài sản, đời sống nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang tổng hợp thiệt hại cụ thể để công ty và công đoàn công ty có chính sách hỗ trợ người lao động để họ yên tâm sản xuất. 

Thực tế cho thấy, theo thống  kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố có 3.700 hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trong đó 1.700 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái đã cơ bản khắc phục khó khăn quay trở lại sản xuất nhằm đảm bảo không để đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hậu quả sau mưa bão để lại cho các doanh nghiệp còn hết sức nặng nề, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, chăn nuôi thủy sản và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh ở khu vực trọng yếu có hàng hóa bị nhấn chìm trong nước.

Ngay như  trung tâm mua sắm Dũng Linh, nằm trên đường Điện Biên thuộc địa bàn phường Minh Tân chuyên kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Ông Nguyễn Huy Dũng- Quản lý Trung tâm cho hay: Mặc dù Trung tâm đã di chuyển hàng hóa lên tầng 2, nhưng do nước lũ lên quá nhanh đã khiến nhiều trang thiết bị, hàng hóa bị trôi và hỏng. Sau khi nước rút, lượng bùn đất đọng lại rất nhiều, nhất là khu vực tầng hầm. Trung tâm đã phải thuê, phương tiện hút bùn đất ở tầng hầm và  huy động nhân lực vệ sinh, thu dọn bùn rác để hoạt động trở lại. Trung tâm đã nhập hàng hóa mới, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng nhu yếu cần thiết cho người dân. Các mặt hàng vẫn giữ nguyên giá đã niêm yết, không có việc tăng giá.

Công ty  TNHH Unico Globol YB, tại khu CN Âu Lâu duy trì sản xuất đảm bảo đơn hàng

Bên cạnh đó, chuỗi nhiều cửa hàng Vinmart++, hệ thống các Công ty giao hàng online... Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng bị ảnh hưởng. Các Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đã phải tốn kém hàng loạt chi phí để khắc phục hậu quả, kéo theo đó, doanh nghiệp vốn đã khó khăn nay lại càng rơi vào tình trạng khó khăn hơn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả của bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... và Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Nghị quyết số 143, ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh; giúp các doanh nghiệp và địa phương khôi phục lại các hoạt động kinh tế sau bão.Theo đó, thành phố, trong đó có Ngành thuế đã và đang hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về các chính sách hỗ trợ như giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí. Trong đó, đối với các hộ, cá nhân kinh doanh áp dụng giảm thuế theo dạng dừng, nghỉ hoạt động.

Với những giải pháp, sự hỗ trợ thiết thực từ Nghị quyết 143 của Chính Phủ, tin tưởng rằng các doanh nghiệp Yên Bái có thể vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi sau bão lũ. Tuy nhiên, các chính sách, giải pháp hỗ trợ này cần triển khai nhanh chóng, kịp thời để doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả bão lũ, phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Minh Chín (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác