Ngày 05/05/2024 13:02

Thành phố Yên Bái tổ chức chương trình gắn biển Di tích lịch sử Quốc gia bến Âu Lâu

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), sáng 5/5, thành phố Yên Bái đã tổ chức chương trình gắn biển Di tích lịch sử Quốc gia bến Âu Lâu, trên địa bàn phường Nguyễn Phúc. Dự chương trình có các đồng chí: Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Đỗ Đức Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Vũ Thị Hiền Hạnh, Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức những ngày lễ lớn và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái; các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; Đồng chí Đỗ Văn Nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Ngọc Trúc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí trong BTV Thành ủy; lãnh đạo UBND thành phố; lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể thành phố; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị; bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường cùng đông đảo bà con Nhân dân trên địa bàn.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng tại Chương trình gắn biển Di tích Bến Âu Lâu.

Di tích lịch sử bến Âu Lâu là nơi ghi dấu một thời của cuộc đấu tranh chống quân xâm lược của quân và dân Yên Bái cũng như của dân tộc Việt Nam. Bến Âu Lâu trước đây là con đường duy nhất đi vào khu vực phía Tây, trấn giữ vị trí cực kỳ quan trọng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Từ một bến đò nhỏ qua lại của người dân đôi bờ, dần dần đã trở thành điểm nối lớn nhất, thuận lợi nhất đối với miền Tây Yên Bái nói riêng và Tây Bắc Tổ quốc nói chung. Từ thời kỳ 1930 -1945, bến Âu Lâu là nơi qua lại hoạt động của những nhà yêu nước và các chiến sĩ cách mạng, gắn bó chặt chẽ với phong trào yêu nước vùng Yên Bái. Địa điểm đưa đón bí mật, nhiều cán bộ lãnh đạo qua lại chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương như các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ngô Minh Loan, Đình Phương, Nguyễn Phúc…

Các đại biểu tham dự chương trình.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bến Âu Lâu là nơi duy nhất có thể vận chuyển các loại vũ khí hạng nặng như pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tổ chở đạn dược, khí tài, phục vụ cho nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch Lý Thường Kiệt năm 1951, chiến dịch Tây Bắc năm 1952, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trúc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại Chương trình gắn biển Di tích

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bến Âu Lâu ngày đêm chịu bom đạn, khói lửa song với tinh thần chiến đấu anh hùng, trung kiên, bến là nơi đưa đón các phương tiện vật chất lên xây dựng CNXH ở miền Tây các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Đồng thời chuyên trở hàng ngàn tấn gạo, thực phẩm, con người từ miền Tây ra Yên Bái chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời kỳ này, bến Âu Lâu đã chuyên trở gần 200 nghìn lượt ô tô, xe, pháo các loại, hàng chục triệu tấn hàng hóa và hàng triệu người qua lại, vào đợt cao điểm phà phải đưa 150 lượt xe qua sông. Một lần nữa, bến Âu Lâu chung tay cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam đưa non sông về một dải.

Ông Đoàn Huy Liệu, Nguyên Bến trưởng - Bến phà Âu Lâu phát biểu tại Chương trình gắn biển Di tích

Với những chiến công vang dội, hào hùng, giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, ngày 7/8/2012, bến Âu Lâu, xã Âu Lâu, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái  được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó đến nay di tích bến Âu Lâu luôn được các thế hệ người dân Yên Bái trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị.

Các đại biểu di chuyển đến vị trí gắn biển di tích

Để tiếp tục phát huy và gìn giữ giá trị lịch sử bến Âu Lâu, UBND tỉnh Yên Bái giao cho UBND thành phố triển khai dự án đầu tư, tu bổ và tôn tạo bến Âu Lâu gắn với chỉnh trang đô thị. Dự án đã triển khai với các hạng mục như: kè bảo vệ, sân bậc tam cấp, khuôn viên cảnh quan, xây dựng bức phù điêu, biển di tích bến Âu Lâu, đường xuống bến, sân bến và nhiều hạng mục quan trọng khác.

Lãnh đạo tỉnh và thành phố thực hiện nghi thức gắn biển di tích

Phát biểu tại chương trình gắn biển di tích lịch sử Quốc gia bến Âu Lâu, đồng chí Nguyễn Ngọc Trúc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Công trình tôn tạo, tu bổ di tích lịch cấp Quốc gia bến Âu Lâu là dự án có ý nghĩa quan trọng nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là dịp tuyên truyền giáo dục truyền thống, kiên cường đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại nơi gắn biển Di tích lịch sử Quốc gia bến Âu Lâu

Thời gian tới, để di tích lịch sử bến Âu Lâu luôn đảm bảo trang nghiêm, sạch đẹp, đồng thời thực hiện bảo tồn phát huy giá trị của di tích, thành phố Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các địa phương tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử truyền thống; tổ chức các hoạt động về nguồn, tìm về địa chỉ đỏ gắn với tham quan, trải nghiệm; phối hợp với các huyện, thị xã trong tỉnh, các công ty du lịch tổ chức các tour du lịch khai thác các tour du lịch giáo dục truyền thống gắn với lịch sử tại các di tích trên địa bàn thành phố trong đó có bến Âu Lâu lịch sử.

Các đại biểu dự Chương trình gắn biển Di tích chụp ảnh lưu niệm.

Tại chương trình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố đã tham gia gắn biển di tích lịch sử Quốc gia bến Âu Lâu và tham quan công trình.

Việt Hà - Tiến Bình - Đức Hiệp (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác