Tuổi trẻ thành phố Yên Bái xung kích, đi đầu trong phát triển kinh tế
Thời gian qua, phát huy vai trò của mình, Thành Đoàn Yên Bái đã phối hợp với các cấp, các ngành địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và hướng nghiệp. Qua đó, đã động viên, khích lệ nhiều đoàn viên thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đem lại thu nhập, thu hút giải quyết việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên tại địa phương, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp hiện thực hóa các giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế- xã hội nhanh, bền vững tại địa phương.
Theo rà soát, thành phố Yên Bái hiện có trên 19 nghìn người trong độ tuổi từ 16 đến 35 tuổi, chiếm khoảng 17,68% dân số thành phố. Xác định ĐVTN là nguồn lao động trẻ, dồi dào, năng động, nhiệt huyết, sáng tạo. Thời gian qua, Thành đoàn Yên Bái đã làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, thanh niên kịp thời nắm bắt các chủ trương, kế hoạch của tỉnh, thành phố, đón đầu những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, thành phố về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cơ hội việc làm và đào tạo nghề nâng cao trình độ, kỹ năng khởi nghiệp và lập nghiệp góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương.
Chị Cù Thanh Lam, Phó Bí thư Thành đoàn Yên Bái chia sẻ: Trong giai đoạn 2019-2024, Thành đoàn Yên Bái đã phối hợp tổ chức 03 chương trình, hội nghị tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT; 04 lớp tập huấn trang bị kiến thức về khởi sự doanh nghiệp; 08 hoạt động tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp, tham quan các mô hình thanh niên phát triển kinh tế thu hút trên 1.000 ĐVTN tham gia. Tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho trên 200 thanh niên xuất ngũ trở về địa phương. Phối hợp tổ chức 05 Ngày hội cấp thành phố, 60 hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm cấp cơ sở. Tư vấn, hướng nghiệp cho trên 12.000 lượt thanh niên, học sinh. Ủy thác nguồn cho ĐVTN vay phát triển kinh tế với dư nợ gần 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thành đoàn cũng tích cực vận động, khuyến khích ĐVTN lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương; kịp thời hỗ trợ duy trì, nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đoàn viên, thanh niên.Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do ĐVTN làm chủ, hỗ trợ việc làm thường xuyên từ 3-6 người lao động, thu nhập từ 06-10 triệu đồng/tháng.
Mô hình kinh doanh cà phê của đoàn viên Nguyễn Đức Thành với những sản phẩm Handmade
Tiểu biểu như mô hình kinh doanh Cà phê của đoàn viên Nguyễn Đức Thành, tại số 60 phố Lý Đạo Thành, phường Nguyễn Thái Học. Trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, năm 2022 Đức Thành quyết định khởi nghiệp và lập nghiệp ngay tại quê hương. Kết hợp giữa kinh doanh với làm sản phẩm HANDMADE Gifts vừa giúp khách hàng được thư giãn và trải nghiệm tự tay làm ra các sản phẩm HANDMADE dựa trên yêu cầu và sở thích của cá nhân. Chính với phương thức kinh doanh độc đáo sáng tạo này Quán MALDIVES của Đức Thành được nhiều người biết đến. Không những vậy những sản phẩm Handmade độc đáo, tinh tế của Đức Thành đã trở thành một sản phẩm du lịch đem lại nguồn thu nhập đáng kể; từ đầu năm đến nay Đức Thành đã xuất bán trên 200 sản phẩm HANDMADE vào thành phố Đà Nẵng để bán cho khách du lịch trong và ngoài nước; đặc biệt với các chủ đề quê hương, đất nước được thể hiện trên từng sản phẩm, đã góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, quê hương Yên Bái đến với đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Đoàn viên Nguyễn Đức Thành mong muốn: với mong muốn tiếp tục phát triển quy mô kinh doanh lớn hơn, tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cấp ủy, chính quyền và Đoàn thanh niên các cấp. Trong đó, cụ thể như hỗ trợ về nguồn vốn vay, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm trong kinh doanh, khởi nghiệp, lập nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm để ĐVTN chúng tôi tích lũy, kiến thức, kinh nghiệm tham gia phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng tại quê hương.
Còn với đoàn viên Trần Mạnh Cường, thôn Thành Giang, xã Âu Lâu lại lựa chọn cho mình con đường khởi nghiệp và lập nghiệp rất thiết thực. Trước đó, cũng như bao thanh niên trẻ khác mong muốn được làm việc, cống hiến sức trẻ để góp phần xây dựng, phát triển quê hương. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương rất phù hợp cho phát triển các cây lâm nghiệp, trong đó có cây chè gia đình anh đã gắn bó từ lâu. Sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm và trực tiếp về các vùng trồng đào cảnh nổi tiếng ở một số địa phương.
Đoàn viên Trần Mạnh Cường chăm sóc cây đào cảnh chuẩn bị phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán
Đến năm 2013, chàng trẻ Trần Mạnh Cường đã mạnh dạn huy động vốn từ gia đình, người thân đồng thời vay thêm nguồn vốn giải quyết việc làm thông qua tổ chức Đoàn làm tín chấp để thực hiện mô hình trồng đào cảnh của mình. Sau hơn 10 năm khởi nghiệp đến nay, Mạnh Cường đã và đang duy trì vườn đào cảnh trên 300 gốc, kinh tế, thu nhập, việc làm ngày càng ổn định và từ trồng đào cảnh, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, tiện nghi. Nói về dự định của mình trong thời gian tới, đoàn viên Trần Mạnh Cường - Thôn Thanh Giang, xã Âu Lâu cho biết: Trên cơ sở kinh nghiệm đã được tích lũy và thành quả đã được, trong những năm tới tôi tiếp tục mở rộng quy mô diện tích để phát triển cây đào cảnh, tăng cường quảng bá giới thiệu và nhận trồng, chăm sóc thêm đào cảnh nếu cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu; cùng với đó tôi dự định đầu tư trang trí thêm một số hạng mục khác để có thể thu hút các bạn trẻ đến check in, chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp của hoa đào mùa xuân và thiên nhiên bình yên của thôn quê chúng tôi. Để thực hiện được ước mơ, tôi mong muốn tiếp tục được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội.
Với nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực của các cấp bộ Đoàn, đến nay tuổi trẻ thành phố đang duy trì 84 tổ hợp tác, 3 HTX và 26 Doanh nghiệp trẻ do thanh niên làm chủ 03 CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, có trên 80 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó lĩnh ,vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trên 80%, tạo việc làm ổn định cho trên 400 hội viên, thanh niên và lao động khác tại địa phương. Qua đó, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế- xã hội thành phố phát triển nhanh, bền vững.Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thực trạng thanh niên thiếu kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xã hội; thiếu kiến thức khoa học, công nghệ áp dụng vào đời sống và sản xuất còn hạn chế; tình trạng “Thừa thầy, thiếu thợ” vẫn còn khá phổ biến; việc định hướng, lựa chọn khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế cho thanh niên vẫn còn có những hạn chế nhất định.
Trước những thách thức về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường hiện nay, vấn đề việc làm và thu nhập luôn là bài toán khó đòi hỏi sự nỗ lực từ chính mỗi ĐVTN và sự quan tâm hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội, qua đó nhằm giúp người trẻ được thể hiện tài năng, trí tuệ, góp sức dựng xây quê hương, đất nước ngày một phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
Lê Hương - Đức Hiệp (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)