Ngày 28/12/2024 00:00

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân

Trong những năm qua, thông qua các tổ chức Hội đoàn thể, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, học sinh và sinh viên gặp khó khăn có thêm cơ hội để học tập, giải quyết việc làm, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống một cách thiết thực. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Yên Bái.

 Hội viên nông dân xã Tuy Lộc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất

Cũng như nhiều hộ dân trong xã Tuy Lộc, thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Huyên, thôn Hợp Thành chủ yếu trông vào diện tích chuyên canh rau màu. Tuy nhiên, thu nhập cũng không mấy ổn định, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Năm vừa qua, thông qua tổ chức Hội nông dân xã, chị đã được vay 70 triệu đồng nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, trong đó 50 triệu đồng thuộc chương trình vốn vay tạo việc làm, 20 triệu đồng thuộc chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Từ nguồn vốn vay, chị đã  đầu tư cải tạo diện tích đất trồng rau, làm giàn trồng rau củ quả theo mùa. Đồng thời, cải tạo công trình vệ sinh, đầu tư máy lọc nước. Chị thấy các chương trình vay vốn tín dụng chính sách này rất phù hợp với người dân.

Hoạt động ủy thác cho vay giữa NHCSXH và các Hội, đoàn thể trên địa bàn xã Tuy Lộc, trong đó có Hội nông dân xã đã được phối hợp chặt chẽ và giải quyết cho các hộ vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng. Theo đó, đã chỉ đạo làm tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn bình xét cho vay công khai, dân chủ đúng đối tượng, đôn đốc thu nợ, thu lãi và giải ngân kịp thời không để tồn đọng vốn.

Chị Trần Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội nông dân xã cho hay: Đến nay, Hội nông dân xã Tuy Lộc duy trì 6 tổ TK&VV với 205 hộ có dư nợ vốn vay ủy thác với NHCSXH thông qua 6 chương trình gần 9 tỷ đồng. Nhằm quản lý vốn vay đạt hiệu quả, Hội nông dân xã thường xuyên phối hợp đánh giá, phân loại Tổ TK&VV. Công tác kiểm tra hoạt động tín dụng cũng được chú trọng. Nhìn chung, nguồn vốn vay ủy thác của ngân hàng CSXH với tổ chức Hội, bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả; Góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo gắn với tạo việc làm của địa phương.

Hội viên phụ nữ phường Nguyễn Thái Học phát triển thương mại - dịch vụ

Theo chị Bùi Thị Phượng, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Văn Phú: Hội phụ nữ xã đang phụ trách 16 tổ TK&VV vốn với dư nợ trên 16 tỷ đồng với 276 khách hàng vay vốn ở 7 chương trình. Đặc biệt từ tháng 7/2024, Hội đã phối hợp triển khai chương trình vay vốn mới nhất đó là cho vay đối với người mới chấp hành xong án phạt tù. Hội phụ nữ xã đã phối hợp với ngành chuyên môn rà soát các trường hợp trong diện có nhu cầu vay vốn. Qua đó đã có 2 trường hợp vừa chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, một số chương trình vay vốn đã được tăng mức vay cho phù hợp với thực tế như chương trình vay vốn Nước sạch và VSMT từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm hư hại nhiều công trình của người dân nên nhu cầu vay tăng cao nhưng nguồn vốn lại có hạn. Do vậy các hội viên mong muốn được Ngân hàng CSXH bổ sung thêm nguồn vốn.

Với đặc thù là xã nông thôn mới, nhiều các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân được triển khai. Do đó, những năm qua, xã Văn Phú luôn là một trong số các xã, phường của thành phố có dư nợ nguồn vốn vay NHCSXH tương đối lớn. Đến nay, thông qua các tổ chức đoàn thể, các tổ TK&VV trên địa bàn xã Văn Phú hiện 8 thôn đều có dự nợ vay vốn tín dụng chính sách ở 16 tổ TK&VV với tổng dư nợ lên tới trên 36 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ đã được đào nghề gắn với được vay vốn NH CSXH đã đầu tư chế biến các sản phẩm, mở rộng kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Điển hình như chị Hoàng Thị Loan, thôn Văn Quỳ, từ năm 2020 chị đã được vay vốn chính sách đầu tư kinh doanh. Vừa qua, chị lại quay vòng nguồn vốn đầu tư nâng cấp cửa hàng kinh doanh tạp hóa, mua máy đóng gói thực phẩm chế biến sẵn cung cấp cho bà con trong vùng. Nhờ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả gốc và lãi đúng kỳ, chị Loan đã được quay vòng vốn vay. Giờ đây, chị mong muốn được vay ở mức cao hơn.

Hội LHPN Thành phố tuyên truyền các chính sách về vay vốn ưu đài phát triển kinh tế - xã hội 

Có thể nói, Thông qua 11 chương trình vay vốn NHCSXH ở thành phố Yên Bái đã giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo việc làm và cải thiện đời sống. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng vốn vay để mua tư liệu sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh và phát triển nguồn lực sản xuất. Nhờ đó, không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố. Ngoài ra, việc vay vốn để hỗ trợ học tập cũng có tác động tích cực đối với học sinh và sinh viên gặp khó khăn. Ngoài ra, nguồn vốn vay NH CSXH cũng đã được sử dụng để đầu tư vào lĩnh vực nước sạch vệ sinh môi trường và nhà ở xã hội. Công trình xây dựng và nâng cấp hệ thống nước sạch đã giúp cải thiện điều kiện sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, việc hỗ trợ vốn xây dựng nhà ở xã hội đã giảm bớt căn cứ vật chất cho các hộ gia đình khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng xã hội. Việc vay vốn thông qua tổ chức Hội đoàn thể cũng đã đảm bảo quản lý và sử dụng vốn một cách hiệu quả, nhờ vào sự quản lý chặt chẽ của các tổ trưởng Tổ TK&VV.

Bà Dương Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Yên Bái khẳng định: Trong nhiều năm qua Hội phụ nữ thành phố đã phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt công tác quản lý vốn và cho chị em vay vốn phát triển kinh tế, nhiều chị từ chỗ kinh tế khó khăn, nhờ được vay vốn và sử dụng hiệu quả đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Hội đã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng xuống cơ sở kiểm tra, giám sát việc cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng. Tổng dư nợ vốn vay của tổ chức hội hiện trên 126 tỷ đồng với hơn 2 nghìn hội viên vay vốn.

Thực tế cho thấy, nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn thành phố Yên Bái là rất lớn. Trong năm 2024, Ban đại diện NH CSXH thành phố đã chỉ đạo các xã, phường và các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện giải ngân 90 tỷ 223 triệu đồng vốn vay. Nâng tổng dư nợ hiện nay trên địa bàn thành phố là  265 tỷ 341 triệu đồng với 4.452 khách hàng dư nợ. Trong đó, nhiều xã, phường có số dư nợ cao từ 22 đến 36 tỷ đồng.  Từ nguồn vốn vay NH CSXH đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở thành phố Yên Bái.                                                                   

 

Minh Chín - Thanh Nghị (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)

Các tin khác