Nâng hạng đô thị: Tầm cao - Quyết tâm cao
Ngày 12/09/2023 Thủ Tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có quyết định số 1039/QĐ-TTg, công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái. Đây không chỉ là kết quả của quá trình phấn đấu nỗ lực gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Yên Bái lần thứ XIX; nhiệm kỳ 2015-2020 mà còn là thành quả hàng trăm năm xây dựng và phát triển thành phố của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung, thành phố Yên Bái nói riêng.
Trung tâm thành phố Yên Bái - Ảnh Thanh Miền
Xuất phát từ vị trí, vai trò hết sức quan trọng của thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật kỹ thuật của tỉnh, là một trong các đô thị trung chuyển quan trọng trong khu vực đô thị Trung du miền núi phía Bắc. Cùng với nhận thức đúng đắn về tính tất yếu phải phát triển đô thị để làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực về môi trường và biến đổi khí hậu.
Đường Nguyễn Tất Thành và đường Nguyễn Văn Cừ - Ảnh Thanh Miền
Đề án xây dựng thành phố Yên Bái đạt đô thị loại II không chỉ là ý chí quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố mà còn được xây dựng trên cơ sở vững chắc về mặt pháp lý với hệ thống các văn bản chỉ đạo của tỉnh và TW được cụ thể hóa tại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động của thành phố qua các nhiệm kỳ. Đề án còn được xây dựng trên cơ sở những điều kiện thực tiễn về tự nhiên và xã hội của địa phương như vị trí địa lý thuận lợi, sự phát triển đột phá về giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, thế mạnh về nguồn lực đất đai cùng với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa của thành phố, nhất là sự quan tâm chỉ đạo và tập trung đầu tư của tỉnh và trung ương, trong những năm qua diện mạo thành phố ngày càng khởi sắc hệ thống hạ tầng đô thị ngày càng hiện đại và đồng bộ, không gian kinh tế mở năng động và hội nhập với những tuyến đường và nhịp cầu nối tiếp nhau kết nối qua sông, thành phố Yên Bái như một bức tranh bừng sáng giữa đại ngàn Tây Bắc.
Cửa hàng Thương mại, dịch vụ Tâm Liên - Ảnh Thanh Nghị
Với vai trò, vị thế là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2022 của thành phố đạt 10%/năm; tính đến hết năm 2022, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 16.594 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng đô thị, lấy công nghiệp thương mại dịch vụ làm trọng tâm. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 1.725 tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh đạt 37%; thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng, cao gấp 1,8 lần so bình quân chung của cả tỉnh; chỉ số hạnh phúc của người dân thành phố đạt 72,7%.
Thành phố đã tập trung huy động nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng, điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng, nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng văn minh hiện đại, đồng bộ, với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 tại Quyết định số 2108/QĐ-UBND ngày 15/9/2020 do UBND tỉnh phê duyệt cùng với các đồ án quy hoạch khu chức năng, khu đô thị khác, thành phố được quy hoạch thống nhất từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết, từ các phân khu chức năng đến cơ sở xã, phường.
Cầu Bách Lẫm về đêm - Ảnh Vũ Chiến
Diện mạo đô thị còn được nâng tầm bởi các tuyến đường giao thông gồm 1 tuyến cao tốc, 4 tuyến quốc lộ, 4 tuyến tỉnh lộ và hàng trăm các tuyến đường nội thị cùng với 5 cây cầu bắc qua sông Hồng, thành phố như một điểm cực đang mở rộng và vươn xa kết nối giao thương phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các vùng miền trong cả nước.
Ông Đỗ Việt Bách - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái
Ông Đỗ Việt Bách - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc sở Giao thông Vận tải cho biết:“Để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Yên Bái đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, tỉnh Yên Bái tập trung, huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là chủ trương, quyết sách hoàn toàn đúng đắn, góp phần tạo đột phá, đẩy nhanh tiến trình phát triển thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II, xứng tầm là đầu tầu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt những năm qua và trong thời gian tới. Riêng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh có 26 dự án, công trình trọng điểm trong đó có 17 dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông (tổng mức đầu tư là 9.756 tỷ đồng), trong đó riêng trên địa bàn thành phố Yên Bái có 06 dự án, công trình giao thông trọng điểm (tổng mức đầu tư khoảng 3.393 tỷ đồng), chiếm 34,78% đặc biệt hơn, trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện có có 5/8 công trình cầu lớn vượt sông Hồng, chiếm 62,5% số lượng trên địa bàn tỉnh, bao gồm: cầu Yên Bái, cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán, cầu Văn Phú và tới đây là cầu Giới Phiên. Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm có quy mô lớn, liên kết vùng của tỉnh đã và đang được đầu tư sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, tạo diện mạo mới, động lực phát triển lớn cho thành phố’’.
Khu đô thị Vincom - Ảnh Hoàng Đô
Thành phố ngày càng hiện đại hóa bởi sự hiện diện của các khu đô thị Vincom Plaza, khu đô thị MeLinh Plaza, khu đô thị Eurowindow Green Park, khu đô thị Hạnh Phúc.... Đặc biệt là các dự án chỉnh trang cải tạo, nâng cấp và mở rộng các khu di tích lịch sử “Khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái”, “Bến Âu Lâu”... Các khu công viên, phố đi bộ... góp phần đem lại những tiện ích đáp ứng sự hài lòng của người dân thành phố.
Cụ Nguyễn Khắc Kỳ, phường Nguyễn Thái Học hồ hởi nói “Phấn khởi lắm con cháu chúng tôi đi công tác xa mỗi lần về nhà thăm bố mẹ nhất là những dịp lễ, tết chúng đều nói thành phố của mình càng ngày càng đổi mới và phát triển. Người dân chúng tôi cảm nhận thấy từng ngày, khi thì cây cầu mới, tuyến đường mới, tiểu công viên, siêu thị mới. Già cả rồi mà được chứng kiến những điều này thật không còn gì bằng, chỉ muốn sống mãi.
Thành phố địa danh bên dòng sông Hồng với bề dày lịch sử, một địa danh có nhiều di tích đã đi vào huyền thoại như bến Âu Lâu, đền Tuần Quán, Chùa Am... Một vùng đất với những con người đã làm nên nhiều kỳ tích trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, góp phần làm nên một thành phố anh hùng. Với niềm tự hào đó và trọng trách lịch sử đặt lên vai, đội ngũ lãnh đạo cùng với Nhân dân thành phố đã nâng cao trách nhiệm chính trị quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp được cụ thể hóa bằng các mục tiêu và các chỉ số phát triển con người và xã hội, thành phố đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đồng chí Đỗ Đức Minh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Yên Bái tặng hoa chúc mừng giáo viên và học sinh trường Tiểu học Nguyễn Thái Học nhân dịp Khai giảng năm học 2023-2024 - Ảnh Thanh Nghị
Hệ thống giáo dục được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại Thành phố có 17/40 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Các cơ sở y tế trên địa bàn phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Hạ tầng văn hóa thể thao phát triển mạnh mẽ, đồng bộ. Thành phố có 3 công viên, 2 sân vận động; có 2 phố đi bộ; 3 nhà thi đấu thể thao; 2 rạp chiếu phim; 02 thư viện. 24 tiểu công viên; có 18 sân chơi thể thao; có 118 nhà văn hóa; có 290 thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời. hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Rực rỡ băng cờ trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành - Ảnh Thanh Miền
Thành phố là một địa phương tiêu biểu của tỉnh trong việc tập trung xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Thông tin viễn thông phát triển nhanh, mạnh đáp ứng tốt yêu cầu thông tin phục vụ nhu cầu liên lạc và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hóa. Ý thức của người dân về môi trường được nâng cao, đến nay thành phố có nhiều tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp. Mạng lưới chiếu sáng của thành phố Yên Bái được đầu tư hiện đại, tình hình chính trị ổn định. An ninh trật tự được đảm bảo và Quốc phòng vững mạnh là những điều kiện quan trọng để thành phố nâng tầm đô thị.
Kết quả trên đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ, được hội đồng thẩm định đánh giá và ghi nhận nhưng để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại II, thành phố cần cụ thể hóa định hướng phát triển đối với từng giai đoạn từng phân khu và hoàn thiện các chức năng đô thị theo hướng đồng bộ, hài hòa và tiện ích.
Ông Trần Việt Quý - Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái
Ông Trần Việt Qúy, Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Yên Bái cho rằng: “Để phát huy những thành quả đã đạt được và định hướng phát triển không gian đô thị của thành phố trong những năm tiếp theo. Sở Xây dựng sẽ bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu và phối hợp với thành phố Yên Bái tiếp tục thực hiện quy hoạch; tổ chức đầu tư phát triển đô thị theo Quy hoạch chung và chương trình phát triển đô thị thành phố Yên Bái đã được phê duyệt. Tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị thành phố Yên Bái, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội cấp đô thị như công trình thể dục thể thao, thương mại dịch vụ, các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn về công trình thu gom xử lý nước thải, nhà tang lễ. Quan tâm hơn nữa về công trình, khu chức năng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, chú trọng lồng ghép các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, công trình kiến trúc xanh. Bên cạnh đó, cùng phối hợp với thành phố Yên Bái tăng cường các giải pháp thu hút nguồn lực, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn phân loại đô thị tương ứng cho các khu vực dự kiến thành lập phường trong tương lai theo quy hoạch, định hướng phát triển đô thị được phê duyệt, đảm bảo công bằng xã hội cho người dân trong quá trình phát triển mở rộng khu vực nội thành của thành phố Yên Bái. Cụ thể hóa các giải pháp để hoàn thiện khắc phục các tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu, nâng cao chất lượng đô thị; phấn đấu đến năm 2025 phải đảm bảo hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị theo tinh thần chỉ đạo nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sỹ hy sinh trong Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái - Ảnh Thanh Miền
Bên cạnh những giải pháp về quy hoạch, xây dựng thì thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường tuyền truyền giáp dục về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương, quảng bá sâu rộng về đất và người Yên Bái với những điển hình tiên tiến, dám nghĩ dám làm nhằm xây dựng hình ảnh một thành phố trẻ tiềm năng, sáng tạo trên con đường hội nhập và phát triển; tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức về những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của quê hương. Qua đó, củng cố niềm tin, niềm tự hào, ý chí tự lực tự cường, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân tiếp tục đóng góp và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tự quản môi trường và văn minh đô thị. Các chi, đảng bộ trực thuộc đặc biệt là các chi bộ thuộc đảng ủy cơ sở ở xã, phường nên có nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo sâu sát lĩnh vực này, bởi đó là tính đặc trưng trong công tác lãnh đạo đảng ở đô thị.
Một góc phố đi bộ Hào Gia, phường Đồng Tâm
Huy động sức mạnh và nguồn lực cộng đồng tham gia xây dựng đô thị, các dự án xây dựng đô thị đều có mục đích cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Vì vậy mọi dự án nâng cấp đô thị cần được xây dựng từ nhu cầu của đời sống thực tiễn, để người dân chủ động đề xuất, chủ động quyết định những lợi ích, dịch vụ mà họ nhận được từ dự án, ngoài ra những dự án đó nên kết nối với với các dự án khác, chính sách khác để đảm bảo tính đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Thành phố tới đây sẽ phải đối mặt với thách thức của mặt trái đô thị hóa, việc tập trung dân cư sẽ là gánh nặng lên hạ tầng đô thị nhưng thách thức nhất là chăm lo đời sống tinh thần của số đông dân cư đó, chúng ta sẽ phải làm điều đó trong một không gian chật hẹp, một điều kiện eo hẹp về mọi nguồn lực của một đô thị trẻ miền núi. Do đó, ngay từ bây giờ thành phố sẽ tăng cường những dự án mở rộng không gian văn hóa, nghệ thuật, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững” thành phố ta đang bước vào thực hiện kinh tế số, xã hội số do đó con người càng cần phải được chăm lo đời sống tinh thần,vì vậy cần phải có những quỹ đất giành riêng cho không gian văn hóa nghệ thuật, mang tính bắt buộc; bố trí nguồn lực tài chính cho những công trình đó hoạt động, sau đó là những chế tài bảo tồn và quản lý một cách chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh. Quá trình xây dựng cần cân đối giữa các công trình mang tín tiện ích như: Chợ, giao thông, siêu thị, trường học với các công trình văn hóa nghệ thuật như thư viện, tượng đài, di tích, nhà hát, bể bơi.
Tiếp đó là giữ vững tính sinh thái của đô thị, đó là tính riêng biệt mà rất ít đô thị có được, hiện nay thành phố Yên Bái đang là địa phương có tỷ lệ cây xanh và hồ ước đạt tỷ lệ vàng đây là điều kiện thuận lợi để thành phố xây dựng đô thị xanh. Các giải pháp trên là vừa là động lực vừa là nền tảng để thành phố hiện thực hóa các chỉ tiêu phát triển và nâng tầm đô thị.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái phát biểu tại Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II - Ảnh Thanh Nghị
Và dù có bao nhiêu giải pháp vẫn chưa đủ nếu thiếu đi tinh thần quyết tâm chính trị của Đảng bộ, Chính quyền và toàn thể Nhân dân. Ông Nguyễn Ngọc Trúc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố quyết tâm nói: “Thành phố sẽ cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Yên Bái. Từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và hạ tầng xã hội tham gia vào chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, làm tiền để cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Đối với những tiêu chuẩn đã hoàn thiện đô thị loại II, cần tiếp tục giữ vững, nâng cao để tiệm cận các tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030, xây dựng thành phố Yên Bái xứng tầm là trung tâm động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc”.
Mỗi người dân hãy tự hào về thành phố của mình, hãy hiện thực hóa lòng yêu nước bằng tình yêu đối với thành phố quê hương.
Đinh Hương (Nguyên Giám đốc Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)