Dấu ấn trong thực hiện chuyển đổi số năm 2022 ở thành phố Yên Bái
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần được triển khai thường xuyên liên tục, nhằm hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn. Trong năm 2022, thành phố Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác chuyển đổi số. Sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của Nhân dân qua những mô hình, cách làm hiệu quả. Công tác CĐS ở thành phố đã đạt được kết quả ấn tượng được tỉnh Yên Bái đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai chương trình CĐS.
Các đại biểu tham quan buổi sinh hoạt của chi bộ trường THCS Yên Ninh trên nền tảng sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái
Ngoài công việc của một cán bộ thống kê phường Hồng Hà thì mỗi ngày anh Hoàng Văn Bản còn dành khá nhiều thời gian để hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia. Là thành viên của tổ chuyển đổi số của phường, anh luôn túc trực, nhiệt tình hướng dẫn bà con các thao tác cài đặt cũng như cách đăng nhập các ứng dụng trên điện thoại thông minh để người dân thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, tiện lợi.
Anh Bản chia sẻ: Là thành viên tổ chuyển đổi số của phường, cá nhân tôi thường hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản theo hướng cầm tay chỉ việc nhằm giúp nhân dân hiểu và thực hiện tốt nhất, đồng thời luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi thực hiện các giao dịch trên tài khoản dịch vụ công đạt hiệu quả cao nhất.
Phát huy vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng, các thành viên của tổ đã trực tiếp xuống các hộ dân, các chợ và các trường học để tuyên truyền việc cài đặt phần mềm định danh điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, đến nay 100% công dân của phường Hồng Hà được tạo lập mã định danh; đã có 1.725 công dân tạo lập được tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó, gần 800 công dân đã tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia khi nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận hành chính công Phường; 52,4% người dân trưởng thành sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% người dân được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% chi bộ trực thuộc Đảng bộ Phường đã tổ chức sinh hoạt chi bộ trên nền tảng sổ tay đảng viên điện tử.
Nhân viên Ngân hàng Công thương chi nhánh Yên Bái hướng dẫn người dân phường Hồng Hà cài đặt, sử dụng phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Nguyễn Bắc Bình, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hồng Yên, phường Hồng Hà cho hay: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do một số người dân các thao tác sử dụng điện thoại chưa được thành thạo, song với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của các thành viên trong tổ chuyển đổi số cộng đồng đã kiên nhẫn, kiên trì hướng dẫn các thao tác để bà con nhân dân thực hiện đạt hiệu quả cao.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố đã ban hành 132 văn bản chỉ đạo để xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố, 15 tổ chuyển đổi số cấp xã, 127 tổ chuyển đổi số cấp thôn với gần 1.000 thành viên tham gia; xây dựng Bộ tiêu chí chấm điểm và xếp hạng Tổ chuyển đổi cộng đồng cấp xã, cấp thôn để thực hiện; thành lập nhóm Zalo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố và 142 nhóm Zalo Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn.
Ông Bùi Ngọc Giang, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Học cho biết: Ngay từ ngày đầu thành lập, tổ CĐS các cấp đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực,“đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng hoàn cảnh” trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số. Theo đó, trong năm vừa qua, Phường đã có 96 % người dân được cấp căn cước công dân; gần 50 % người dân được tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công Quốc gia, các chỉ tiêu về 3 trụ cột chính của phường đều cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Với chủ đề “Tăng tốc, lan tỏa, thiết thực, hiệu quả”, thành phố đã phát động tháng cao điểm về chuyển đổi số trên địa bàn; thành phố tập trung chỉ đạo triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả, tiêu biểu như: Mô hình “Thủ tục hành chính không chờ” ở 15 xã, phường; tổ chức chi trả, thanh toán dịch vụ công bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai phòng họp không giấy tờ; mô hình tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho các công dân tại nhà ứng dụng Bản đồ điện tử nhân viên Y tế, Bản đồ xe cứu thương... Bởi vậy nhận thức của người dân về công tác CĐS đã được nâng cao.
Cán bộ Công an thành phố Yên Bái triển khai làm căn cước công dân gắn chip điện tử cho Nhân dân phường Nguyễn Phúc
Ông Nguyễn Tuấn Khải, tổ dân phố phúc Xuân, phường Nguyễn Phúc chia sẻ: Trước đây, mặc dù đã được các doanh nghiệp kinh doanh điện, nước, mạng viễn thông khuyến khích sử dụng thanh toán trực tuyến, nhưng tôi chưa quan tâm. Thời gian gần đây được các thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cài áp thanh toán trực tuyến, tạo tại khoản dịch vụ công quốc gia, tôi đã thực hiện thành thục và thấy thuận tiện hơn rất nhiều.
Với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả 3 trụ cột trong CĐS của thành phố là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có máy tính bảng, điện thoại thông minh đạt 95%.Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt trên 85%, đạt 114% chỉ tiêu giao; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 85,47%. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính đạt 91%; Tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng đạt 155% chỉ tiêu giao. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến khi thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái đạt 200% chỉ tiêu. Tỷ lệ hộ kinh doanh bán lẻ có thiết bị thanh toán điện tử đạt 119% KH; Tỷ lệ doanh nghiệp có thiết bị thanh toán điện tử đạt 90% Tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử đạt trên 177 % chỉ tiêu; 80% công dân trên địa bàn thành phố được cài đặt và sử dụng nền tảng mua sắm trực tuyến. Thành phố được tỉnh đánh giá là địa phương tiên phong đi đầu trong triển khai CĐS.
Có thể khẳng định mặc dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng trong thực hiện CĐS, thành phố Yên Bái đã lựa chọn triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo cơ sở, nền tảng để năm mới 2023 thành phố tiếp tục đề ra những mục tiêu, giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, đô thị động lực của khu vực Tây Bắc./.
Lê Hương - Thanh Nghị (Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)