Thành phố Yên Bái tham gia Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06
Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chủ trì Hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quang cảnh điểm cầu Trụ sở Chính phủ
Dự Hội nghị tại trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao; các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, thông tin.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì Hội nghị tại điểm cầu thành phố Yên Bái
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thành phố Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Minh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Nguyễn Ngọc Trúc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể, các xã, phường của thành phố.
Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết chỉ còn 1 tuần nữa là kết thúc năm 2022 - năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, cũng là năm của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với nhiều thành tựu đáng ghi nhận và chuẩn bị bước sang năm 2023 - năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06; đánh giá ý nghĩa, hiệu quả của chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình; nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn làm cản trở đến việc công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; đồng thời tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm thì mới có giải pháp hữu hiệu.
Thủ tướng cũng đề nghị các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06; xác định rõ các quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn. Thủ tướng nêu rõ, năm 2023 tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi. Việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06, công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong đó vấn đề chuyển đổi số, quản lý dân cư, thực hiện Đề án 06 có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Tại hội nghị các đại biểu dự trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tại các điểm cầu Trụ sở Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố được nghe Thứ trưởng Bộ Công an - Nguyễn Duy Ngọc báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Báo cáo nhân mạnh: Đối với hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã giao 56 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp thứ 2 và thứ 3 của Ủy ban. Đến nay, 45 nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành, còn 11 nhiệm vụ đang triển khai. Về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, giúp người dân được thụ hưởng ngay kết quả của Đề án 06.
Đối với nền tảng số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 địa phương đã được giao nhiệm vụ triển khai sử dụng tối thiểu 1 nền tảng số; 43/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 lồng ghép trong kế hoạch chuyển đổi số; 11/63 địa phương đã công bố lựa chọn nền tảng số triển khai năm 2022 bằng một văn bản riêng của UBND tỉnh, thành phố. 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia. Nền tảng học trực tuyến mở đại trà có hơn 16 triệu lượt truy cập.
Quang cảnh điểm cầu thành phố Yên Bái
Đối với thành phố Yên Bái, ngay sau hội nghị, sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện để thúc đẩy triển khai Đề án 06 một cách đồng bộ, hiệu quả. Thành phố yêu cầu Tổ công tác Đề án 06 từ thành phố đến các địa phương, cơ quan, đơn vị trực tiếp là người đứng đầu phải thực hiện trách nhiệm nêu gương, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Đề án 06. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền và Nhân dân trên địa bàn.
Đối với lực lượng Công an tiếp tục duy trì thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung thông tin công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” đồng thời thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin công dân mở rộng phục vụ làm giàu dữ liệu. Góp phần thực hiện tốt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030./.
Kim Thúy - Thanh Nghị (Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)